Những câu chuyện tình yêu hoàng gia đẹp như những bản tình ca
Nhà bác học Albert Einstein đã nói rằng "Tình yêu là thứ năng lượng vĩ đại nhất thế gian này". Mỗi câu chuyện tình yêu hoàng gia chứa đựng nhân duyên đặc biệt và mang những sắc thái riêng nhưng tất cả đều có điểm chung đó là sự rung động thực sự đến từ 2 con tim mà không phụ thuộc vào địa vị, gia thế, xuất thân... Họ đã cùng viết nên những bản tình ca ngọt ngào dù cho có những nốt thăng trầm.
1. Chuyện tình chàng hoàng tử nguyện làm thị vệ của Nữ hoàng Anh
Nữ hoàng Elizabeth II là con cả của Hoàng đế George VI. Ngay từ khi 10 tuổi, Elizabeth đã gánh trên vai là người thừa kế thuộc hàng đầu tiên. Năm Elizabeth 25 tuổi, bà chính thức trở thành Nữ hoàng của 16 quốc gia độc lập thuộc Khối thịnh vượng chung Anh. Trái với Nữ hoàng, chồng bà – Hoàng tử Philip – mang trong mình dòng máu hoàng tộc Hy Lạp và Đan Mạch. Sau một cuộc nổi loạn, vua Constantine I, bác của Philip bị ép thoái vị. Cả gia đình Phillip bị trục xuất khỏi Hy Lạp. Mẹ ông – công chúa Alice – ở trong bệnh viện tâm thần. Cha Philip chuyển ra sống riêng với người tình. Chàng hoàng tử không có địa vị tài chính, và cộng thêm việc ba chị em gái kết hôn với quý tộc Đức càng là lý do khiến ông thất thế hơn Elizabeth và bị đem ra làm lý do để phản đối hôn nhân của hai người. Dù thế, Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng tử Philip đã dệt nên một câu chuyện cổ tích tình yêu thời hiện đại, lãng mạn và bền bỉ với gần bảy thập kỷ bên nhau.
Định mệnh của họ bắt đầu vào ngày 22/7/1939, khi Elizabeth và em gái là Công chúa Margaret cùng song thân có chuyến thăm Đại học Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth. Chàng thiếu sinh quân Philip, năm đó 18 tuổi, cao trên 1m8, với đôi mắt xanh, khuôn mặt như chạm khắc, được bố trí tiếp đón người thừa kế xinh đẹp của vua George VI, năm đó mới 13 tuổi. Hai người trẻ tuổi đã đem lòng yêu mến nhau và họ bắt đầu thư từ. Trong cuốn hồi ký Queen’s Childhood của bà Marion Crawford – người dạy học của Nữ hoàng Anh kể lại: “Lilibet (biệt danh của Elizabeth do thời nhỏ cô không thể phát âm được tên của mình) không thể rời mắt khỏi cậu ấy”, mặc dù “cậu ấy không dành cho cô bé một cử chỉ nào đặc biệt”. Sau khi hai người bắt đầu thư từ qua lại, bà viết tiếp: “Lilibet đánh mất sự tự tôn của mình bằng việc viết thư cho một người đàn ông đang chiến đấu cho đất nước chúng tôi”. Công chúa Margaret cũng nói về chị mình: “Chị ấy không bao giờ nhìn bất cứ ai khác”. Trong một lá thư cảm động gửi cho người phụ nữ của mình, Philip đã tự hỏi liệu ông có xứng đáng với “tất cả những điều tốt đẹp đó”, và ông “đã hoàn toàn rơi vào tình yêu và không rụt rè”. Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra. Philip tham gia vào cuộc chiến nhưng ông và nàng công chúa xinh đẹp vẫn gửi thư cho nhau hàng tuần. Kết thúc chiến tranh thế giới, Philip quay trở lại London. Cuối mùa Hè năm 1946, chàng trai 25 tuổi cầu hôn Elizabeth. Nàng công chúa chấp nhận ngay lập tức mà không hề tham khảo ý kiến của cha mẹ.
Trong hầu hết khung hình vào bất cứ thời gian và không gian nào chúng ta đều thấy họ dành cho nhau những ánh mắt đầy yêu thương và trìu mến.
Kết thúc viên mãn của cuộc tình đẹp.
Ngay trước lễ cưới, ông được phong tước Công tước xứ Edinburgh và được trao danh hiệu His Royal Highness. Các sử gia không tiếc lời viết về câu chuyện tình yêu của Nữ hoàng và Hoàng tử Philip, sau khi họ vượt qua cột mốc đám cưới kim cương. “Câu chuyện tình yêu tuyệt vời đạt đến một cột mốc mới. Chỉ có cái chết mới kết thúc được nó”. Hai người họ có 4 con, 8 cháu và 5 chắt.
2. Chuyện tình sóng gió của Hoàng tử William và Công nương Kate
Theo trang web express.co.uk, William và Kate gặp nhau lần đầu tiên khi còn là sinh viên Đại học St. Andrews ở Scotland. Cả hai cùng học lịch sử nghệ thuật trước khi William chuyển sang chuyên ngành địa lý. Mọi chuyện thay đổi kể từ tháng 3/2002 khi Kate bắt gặp ánh mắt của William đang chăm chú nhìn mình lúc cô làm người mẫu cho một chương trình thời trang từ thiện. Khi đó, William đã nói với một người bạn rằng Kate thật xinh đẹp. Tại bữa tiệc sau chương trình, hoàng tử trẻ đã chủ động hôn Kate bất chấp việc bạn trai của cô lúc này là Rupert Finch đang ở gần đó và lần đầu tiên, William bị từ chối. Tuy nhiên, điều đó không làm vị Hoàng tử nước Anh bỏ cuộc mà càng làm William quyết tâm hơn. Chuyện tình lãng mạn của William và Kate phát triển với một tốc độ nhanh chóng mà không ồn ào.
Hoàng tử William và Công nương Kate
Tháng 4/2004, chuyện tình giữa Kate và William được công khai khi họ bị chụp ảnh cùng nhau trượt tuyết ở Klosters. Tháng 1/2006, William bị chụp ảnh khi đang hôn Kate tại Klosters, đây là nụ hôn công khai đầu tiên của cặp đôi này. Sau đó, Kate chuyển đến căn hộ của mình ở Chelsea và vết nứt trong quan hệ của họ đã xuất hiện khi hoàng tử trẻ muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình riêng của mình.
Mùa Xuân năm 2007, William bị cáo buộc âu yếm một nữ sinh viên. Kate rất đau khổ vì việc này và muốn hoàng tử cam kết nhiều điều, tuy nhiên William đã kết thúc mối quan hệ của họ với một cú điện thoại ngắn gọn. Sự căng thẳng giữa hai người đã thể hiện rõ tại cuộc đua Cheltenham. Tại cuộc đua này, Kate vui chơi với bạn bè, em gái Pippa và không có William ở bên cạnh. Tuy nhiên, William và Kate nhanh chóng “nối lại tình xưa” sau khi gặp lại nhau trong buổi hòa nhạc tưởng niệm mẹ của William – công nương Dianna – vào mùa hè. Sau 3 tháng chia tay, họ đã bị bắt gặp khi đang “khóa môi”.
Ngày 16/10/2010, tức 8 tháng sau đó, Hoàng tử William đã cầu hôn bạn gái Kate bằng chiếc nhẫn đá sapphire 18 carat trong chuyến đi Kenya. Vào giây phút Hoàng tử cầu hôn, Kate mô tả là “cực kỳ lãng mạn” và đó là một bất ngờ hoàn toàn. Ngày 16/11/2010, Clarence House chính thức thông báo Hoàng tử William và bạn gái Kate Middleton đã đính hôn. Chuyện tình đầy sóng gió của cặp đôi kết thúc bằng đám cưới linh đình tại nhà thờ Westminster Abbey vào ngày 29/4/2011 với sự tham gia của 1900 vị khách. Hiện nay cặp đôi đã có 3 người con xinh xắn gồm Hoàng tử George, công chúa Charlotte và Hoàng tử Loius.
3. Chuyện tình đẹp như mơ của Nhật hoàng Akihito và cô gái thường dân
Chuyện tình của Nhật hoàng và Hoàng hậu bắt nguồn từ sân tennis. Ảnh: Sankei Archive.
Hoàng hậu Michiko Shoda sinh ngày 20/10/1934 ở thủ đô Tokyo. Bà là con của một doanh nhân giàu có, tên Hidesaburo Shoda, cựu chủ tịch của công ty sản xuất thực phẩm Nisshin Seifun Group. Bà theo học ngành văn học Anh tại Đại học Sacred Heart ở Tokyo và thậm chí còn theo học các khóa học tại Oxford, nơi bà được biết đến với biệt danh là Mitchi. Michiko còn được gọi là Temple-chan vì nhiều người cho rằng bà giống nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ Shirley Temple.
Nhật hoàng Akihito với Hoàng hậu Michiko gặp nhau lần đầu tại sân tennis ở Karuizawa, năm 1957. Chỉ sau lần gặp mặt đó một thời gian ngắn, cả hai đã yêu nhau và dành rất nhiều thời gian ở cạnh nhau.
Mặc dù yêu nhau là thế nhưng rào cản, định kiến xã hội đã gây rất nhiều trắc trở cho tình yêu của hai người. Michiko sinh ra trong một gia đình giàu có, không phải là hoàng gia, chính điều đó khiến hoàng gia Nhật Bản coi thường và không tác thành cho cả hai.
Theo truyền thống, Thái tử Akihito sẽ được mai mối cho một cô gái có nguồn gốc hoàng gia để se duyên. Tuy nhiên, ông đã đấu tranh, phá bỏ mọi quy tắc đó để lấy một cô gái xuất thân bình thường làm vợ.
Khi đó còn có thông tin cho rằng nhà văn nổi tiếng người Nhật, Yukio Mishima, đang cân nhắc việc xin cưới Michiko. Về phần mình, thái tử cũng không ngần ngại ngỏ lời cầu hôn Michiko, cứ ngỡ bà sẽ đồng ý ngay lập tức, nhưng phải sau vài lần bà từ chối. Gia đình Michiko cũng nhiều lần xin từ chối khi Hoàng gia tiếp cận vì xuất thân bình thường. Michiko sau đó đột ngột rời Nhật Bản để đi du lịch châu Âu. Gia đình bà sắp xếp chuyến đi này để giảm sự chú ý của các phóng viên liên tục bám đuổi con gái.
Ngay sau khi trở về Nhật Bản, Michiko nhận được cuộc gọi từ Thái tử Akihito. Chứng kiến tình yêu của con trai sau thời gian dài, Nhật Hoàng Showa chính thức tác thành cho Thái tử Akihito và cô gái trẻ Michiko.
Tháng 11/1958, việc Thái tử đính hôn với Michiko được phê duyệt và công bố chính thức. Ngày 10/4/1959, hai người cử hành hôn lễ. Hơn 500.000 người đổ ra đường để chào mừng sự kiện này.
Với cuộc hôn nhân này, Hoàng Thái tử Akihito không chỉ phá vỡ truyền thống hoàng gia khi tự mình chọn người bạn đời, mà còn trở thành vị vua đầu tiên kết hôn với một thường dân trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản..
Cho đến nay, sau hơn 60 năm chung sống, Thiên hoàng cùng hoàng hậu đã có với nhau 3 người con lần lượt sinh vào các năm 1960, 1965 và 1969. Không những là biểu tượng cho tình yêu đẹp mà họ còn là biểu tượng cho Nhật Bản hiện đại.
4. Công chúa Sayako và chàng trai nghèo mồ côi cha
Sayako là con gái duy nhất của Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko. Công chúa Sayako sống theo cách riêng của mình, đặc biệt cô muốn hôn nhân của mình đến một cách tự nhiên, đây là quan điểm tiêu biểu cho những người phụ nữ hiện đại ngày nay tại Nhật Bản.
Trong quá trình học tập tại Học viện Hoàng gia từ bậc tiểu học cho đến đại học trong những năm 1980, cô đã gặp được phu quân Yoshiki của mình. Hai người bắt đầu tìm hiểu nhau từ sau buổi đấu tennis do hoàng tử Akishino tổ chức. Yoshiki là một người trầm tính, đứng đắn, đam mê nhiếp ảnh và xe đua thể thao. Tuần báo Shukan Bunshun mô tả anh là một người hiểu biết và đôi khi rất hài hước. Từ lần đầu tiên đấu tennis cùng nhau, chàng Yoshiki Kuroda và công chúa Sayako thường bí mật hẹn hò. Hai người thường gặp nhau qua điện thoại và thổ lộ tình cảm của mình qua email. Người ta đồn rằng lời cầu hôn của chàng cũng được bày tỏ với nàng dưới hình thức tin nhắn qua điện thoại di động; và điều này đã được hãng Kyodo News của Nhật Bản gọi là: Tình yêu của thời đại mới.
Vượt qua mọi mặc cảm về địa vị xã hội, chàng trai nghèo mồ côi cha Kuroda đã hút hồn nàng công chúa Sayako bằng tình yêu chân thành. Đáp lại, Sayako đã bỏ mọi tước hiệu danh giá của hoàng tộc và cuộc sống vương giả nơi hoàng cung để chạy theo tiếng gọi của con tim. Một cuộc hôn nhân bình dị đã được diễn ra.
5. Hoàng thái tử Naruhito và 3 lần cầu hôn
Hoàng thái tử Naruhito là trưởng nam của Nhật hoàng Akihito. Chuyện tình của chàng bắt đầu tại một bữa tiệc hoàng gia được tổ chức vào mùa Hè 1986. Tại đó, Naruhito đã gặp Masako và bị thu hút bởi vẻ trong sáng và thông minh của nàng.
Masako nói được năm thứ tiếng, tốt nghiệp đại học Harvard và Oxford, là con gái của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Chiều cao của nàng hơi khiêm tốn và không đủ điều kiện theo truyền thống. Bản thân Masako không thích những tập tục trong chốn hoàng gia và áp lực phải sinh một hoàng nam để đảm bảo sự truyền thừa ngôi báu. Chính điều đó nàng đã hai lần từ chối lời cầu hôn của Hoàng thái tử. Nhưng đến lần thứ ba, Naruhito đã khiến đã khiến Masako cảm động khi thổ lộ: “Có thể em lo sợ khi về làm dâu hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em mãi mãi”.
Sau bao sóng gió, nước Nhật hân hoan chào đón ngày vui của hoàng gia. Họ tổ chức đám cưới vào ngày 9/7/1993 không xe ngựa và đoàn tùy tùng, không tặng phẩm và tuần trăng mật. Họ hạ sinh được một nàng công chúa tên là Aiko. Tuy nhiên, Masako đã phải điều trị bệnh trầm cảm trong nhiều năm do gặp phải áp lực sinh hoàng nam để nối dõi.
6. Quốc vương Bhumibol: Chuyện tình viên mãn cùng Hoàng hậu Sirikit
Nếu từng đến Thái Lan du lịch, hẳn bạn sẽ thắc mắc tại sao vị Quốc vương Bhumibol Adulyadej luôn được nhân dân để ảnh thờ cỡ lớn tại những nơi công cộng như: tàu điện ngầm, sân bay, quảng trường,... Tất cả là bởi vì người dân nước này coi ông như một vị Phật sống, người khiến đất nước Thái Lan trở nên thịnh vượng và phát triển như ngày hôm nay. Thậm chí, ngày sinh của ông còn được dùng làm Quốc lễ.
Tuy nhiên, người ta thường không nhắc đến Quốc vương Bhumibol một mình. Tất cả con dân Thái Lan hiểu rằng, Quốc vương Bhumibol không thể trở nên vĩ đại như vậy nếu không có sự hậu thuẫn vững chắc từ phía người vợ của mình - Hoàng hậu Sirikit. Đây được coi là chuyện tình đẹp nhất, viên mãn nhất trong lịch sử Thái Lan.
Đám cưới mang đậm chất hoàng cung của hai vợ chồng Quốc vương Bhumibol.
Thời thanh niên, chàng trai chăm chỉ Bhumibol quyết tâm theo học Luật, Khoa học chính trị ở Thuỵ Sĩ. Và đối với một "du học sinh" giàu có như Quốc vương Bhumibol, du lịch đến những nước Châu Âu khác là chuyện rất đỗi bình thường. Trong số hàng chục quốc gia thơ mộng, ông chọn Kinh đô ánh sáng Paris làm điểm đến, chủ yếu là để tận hưởng kỳ nghỉ. Tại đây, ông quen một người con gái tên là Sirikit.
Ít ai biết rằng, vị vua đáng kính của người dân Thái Lan, ngài Bhumibol Adulyadej đã từng bị người vợ tương lai của mình thờ ơ. Hoàng hậu Sirikit Kitiyakara chia sẻ: "Tôi ghét ông ấy từ lần gặp đầu tiên. Ông ấy hẹn tôi lúc 16h nhưng mãi 19h mới đến, làm tôi phải đứng chờ và luyện tập hành lễ".
Hoàng hậu Sirikit Kitiyakara chia sẻ: "Tôi ghét ông ấy từ lần gặp đầu tiên. Ông ấy hẹn tôi lúc 16h nhưng mãi 19h mới đến, làm tôi phải đứng chờ và luyện tập hành lễ".
Tuy nhiên, bằng nhiều tài lẻ, lại có thiên hướng nghệ thuật và sự am hiểu tinh tường nhân tình thế thái, chàng hoàng tử trẻ tuổi cuối cùng cũng chinh phục được trái tim cô nàng yêu kiều Sirikit. Khi Bhumibol gặp tai nạn tại Thụy Sĩ, người đến thăm ông nhiều nhất cũng là Hoàng hậu Sirikit.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC vào năm 1978, Hoàng hậu Sirikit đã tiết lộ "Tôi biết Nhà vua có tình cảm với mình khi ông ấy đang nằm viện ở Lausanne, Thụy Sĩ". Ngay khi tỉnh lại sau cơn hôn mê, Quốc vương Thái Lan đã lấy tấm hình của Sirikit từ trong ví tiền của mình ra, nắm chặt và để nó ở ngay tim. "Tôi còn không biết ông ấy đã có bức hình của mình từ khi nào. Ngay sau đó, nhà vua đã bày tỏ tình cảm của mình với tôi. Khoảnh khắc đó, tôi chỉ có duy nhất một ý nghĩ, rằng tôi muốn sống bên cạnh người mình yêu thương. Những chuyện như trở thành hoàng hậu hay phải làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ của một hoàng hậu, tôi không hề nghĩ đến điều đó".
Thật không khó để bạn bắt gặp những bức hình quốc vương Bhumibol cùng vợ ngồi trên chiếc xe jeep tự lái, lui về những vùng nông thôn khó khăn, xuống cả ruộng đồng để trò chuyện và hỏi thăm người dân.
Vào sinh nhật lần thứ 17 của Sirikit, Quốc vương Thái Lan đã quyết định ngỏ lời cầu hôn với cô gái mình yêu, trước mặt ba mẹ của Sirikit tại London. Một năm sau đó, cả hai trở về Thái và tổ chức lễ kết hôn hoàng gia vào ngày 17/9/1949. Một tuần lễ sau, Quốc vương Bhumibol Adulyadej chính thức làm lễ đăng cơ. Sau khi kết hôn, Quốc vương đã hứa rằng, cả đời này ông sẽ chỉ có mình bà là Hoàng hậu và sẽ không lập hậu cung hay cưới thêm vợ.
Quốc vương Bhumibol và Hoàng hậu Sirikit đều rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo và nâng cao tri thức cho người dân Thái Lan. Trung bình mỗi năm, Quốc vương và Hoàng hậu Thái Lan chỉ ở cung điện 7 tháng, thời gian còn lại là đi thực tế.
Đến các bảo tàng Thái Lan bây giờ, thật không khó để bạn bắt gặp những bức hình quốc vương Bhumibol cùng vợ ngồi trên chiếc xe jeep tự lái, lui về những vùng nông thôn khó khăn, xuống cả ruộng đồng để trò chuyện và hỏi thăm người dân. Hình ảnh đó gần như trở thành một biểu tượng khó quên đối với tất cả con dân Thái Lan vào nửa cuối thế kỷ 20.
Cùng với sự thông suốt của Bhumibol trong các chính sách chính trị, rất nhiều người dân Thái cũng coi Hoàng hậu Sikirit như một Mẫu nương Thiên hạ đích thực bằng tất cả tấm lòng thành kính.
Không chỉ kính yêu Quốc vương Bhumibol, người dân Thái còn yêu mến Hoàng hậu Sikirit bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình. Nhiều chương trình, dự án giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, bảo tồn nghề truyền thống dành cho người nghèo do Hoàng hậu khởi xướng và bảo trợ đã và đang được triển khai tích cực và có hiệu quả.
Ngoài ra, bà cũng hoạt động tích cực trong việc quảng bá văn hoá và lịch sử Thái Lan. Bộ phim "Truyền thuyết về Hoàng hậu Suriyothai" ra đời với sự bảo trợ của Hoàng hậu Sirikit được biết đến như là một trong những bộ phim lịch sử hoành tráng nhất Thái Lan. Bộ phim đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ nói riêng và cũng đã làm cho người Thái nói chung hiểu rõ hơn về lịch sử của đất nước mình.
7. 'Công chúa xinh xắn nhất châu âu' nên duyên cùng chuyên gia tài chính người Mỹ
Công chúa Madeleine là con gái của Vua Thuỵ Điển Carl XVI Gustaf và đứng thứ ba trong danh sách kế thừa ngai vàng, sau Công chúa Victoria và Hoàng tử Carl Philip. Hai chị em công chúa Victoria và Madeleine nằm trong số những thành viên hoàng gia sành điệu nhất ở châu Âu nhưng họ có cuộc sống rất khác nhau sau khi Madeleine rút lui khỏi nhiệm vụ của cô để đến sống ở New York.
Trong thực tế Madeleine không hề mơ tưởng đến ngày sẽ thừa kế ngôi báu của vua cha. Khác với người chị Victoria chỉn chu tuân thủ lối sống quân chủ gò bó cứng nhắc, cô em Madeleine lại thường xuyên phản bác các hủ tục phong kiến nặng nề. Thời trẻ, Công chúa Madeleine vốn là "mối ruột" của các tụ điểm giải trí ở thủ đô Stockholm, khiến đám vệ sĩ hoàng gia vã mồ hôi hột vì luôn phải canh chừng... Chính đặc điểm này khiến Madeleine lại có thêm một biệt hiệu nữa là "Nàng công chúa của thời hiện đại".
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử nghệ thuật ở Trường đại học Tổng hợp Stockholm vào năm 2006, Công chúa Madeleine lại ghi danh học thêm khoa Tâm lý trẻ em cũng tại ngôi trường danh tiếng này. Ngoài 2 tấm bằng cử nhân nói trên, nàng công chúa hiếu học còn sở hữu nhiều bằng cấp chuyên môn khác như luật học, nhân chủng học, dân tộc học, kiến trúc, thiết kế thời trang, trang trí nội thất... trở thành một trong những nhà quý tộc có tầm tri thức hàng đầu Âu lục phù hợp với xu thế hiện đại.
Đồng thời Công chúa Madeleine còn sử dụng thông thạo 3 ngoại ngữ phổ biến ở châu Âu là tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp. Những sở trường khác của Công chúa Madeleine là sân khấu kịch nghệ, múa ba lê, cưỡi ngựa, trượt tuyết, leo núi....
Sau 7 năm quen biết, vào đầu tháng 8/2009, Công chúa Madeleine tuyên bố sẽ đính hôn với người bạn trai hơn mình 3 tuổi là luật sư đồng hương Jonas Bergstrom. Nhưng 8 tháng sau lễ đính ước bị hủy bỏ, bởi người chồng tương lai đã dan díu với một nữ sinh đại học gốc Na Uy.
Chán nản vì tình yêu bị phản bội, giữa năm 2010 Công chúa Madeleine chuyển sang New York (Mỹ) sinh sống, chính thức làm việc như một tình nguyện viên tại Văn phòng đại diện Quỹ Nhi đồng Thế giới (WCF) do Hoàng hậu Silvia mẹ cô sáng lập vào năm 1999, cũng là tổ chức phi lợi nhuận thường đứng ra bảo trợ các kỳ đại hội quy mô quốc tế chống lại nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Đến đầu năm 2011 thì cô có quan hệ tình cảm với Christopher O'Neill, một chuyên viên tài chính người Mỹ sinh trưởng tại Anh, là con trai của nhà sáng lập Quỹ đầu tư đa quốc gia kỳ cựu Noster Capital. Vào ngày 25/10/2012, họ đã chính thức đính hôn.
Công chúa Madeleine và chồng trong ngày cưới. Ảnh: Reuters.
Đến ngày 8/6/2013 đám cưới được diễn ra trước gần 500 khách mời bao gồm tất cả đại diện của các vương triều châu Âu, trong đó có cả Công chúa Takamado đến từ Nhật Bản. Rồi toàn thể thành viên của Quốc hội và Chính phủ Thụy Điển, cũng như các vị đại diện ngoại giao đoàn ở Vương quốc Thụy Điển đã tề tựu đông đủ tại khu nhà nguyện trong cung điện Hoàng gia Drottningholm Palace ở Stockholm. Giữa 21 loạt đại bác vang rền theo nghi thức quốc gia, cô dâu chú rể đã trao nhẫn cưới cho nhau trong sự cổ vũ nồng nhiệt của quan khách có mặt.
Theo thỏa thuận trước hôn lễ, chú rể Christopher O'Neill đã không tiếp nhận tước vị Công tước xứ Halsingland và Gastrikland của vợ, bởi như vậy đã trở thành thành viên Hoàng gia Thụy Điển và không được phép tham gia vào thương trường theo luật định. Thay vào đó, chú rể được gọi một cách chính thức là "ngài Christopher O'Neill, phu quân của nữ Công tước xứ Halsingland và Gastrikland" để thuận lợi cho công việc kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng của mình.
Đồng thời Công chúa Madeleine cũng cho biết, tuy đã tuyên bố từ bỏ quyền nối ngôi để sống cuộc sống như người dân thường, nhưng cô vẫn giữ cam kết duy trì nhiệm vụ thay mặt vua cha nay đã 67 tuổi tại các hoạt động văn hóa liên quan đến Vương quốc Thụy Điển ở Mỹ.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, anh nói: "Tôi đã gặp được người phụ nữ của đời mình, người phụ nữ tôi yêu. Những rõ ràng không hề dễ dàng khi cưới một công chúa. Chuyện này đã làm cuộc sống của tôi trở nên phức tạp hơn nhiều".
Cả hai đã lần lượt chào đón ba con - Leonore, Nicolas và Adrienne. Họ sống bên ngoài Thuỵ Điển trong nhiều năm qua nhưng vẫn trở về nước để dự các sự kiện quan trọng của hoàng gia. Công chúa Madeleine cũng nhận trả lời một số cuộc phỏng vấn trên tạp chí và thường xuyên chia sẻ ảnh về cuộc sống hàng ngày, công việc và gia đình trên phương tiện truyền thông xã hội.
Instagram của cô mang tính cá nhân hơn rất nhiều so với bất kỳ thành viên nào của hoàng gia Anh, với những bức ảnh chụp ngày lễ và ảnh gia đình riêng kèm các chú thích khoáng đạt, giọng văn thân mật, gần gũi.
Năm ngoái, Vua Carl XVI Gustaf đã rút tước hiệu hoàng tộc HRH của ba con nhà Madeleine và hai người anh em họ của họ nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính của ngân quỹ dành cho hoàng gia. Madeleine đặc biệt ủng hộ sự thay đổi này. Cô nói: "Sự thay đổi đã được lên kế hoạch từ lâu. Chris và tôi nghĩ rằng chuyện này rất tốt, bởi giờ đây các con tôi sẽ có cơ hội lớn hơn để định hướng cho cuộc sống của chúng trong tương lai".
Xem thêm