Mối tình đặc biệt của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký với 2 chị em

20/11/2021 | 355

Thầy Nguyễn Ngọc Ký người có đôi chân "diệu kỳ" không còn xa lạ và là tấm gương sáng về nghị lực sống phi thường với bao thế hệ học trò Việt Nam. Bên cạnh đó, thầy còn được biết đến với câu chuyện tình yêu đẹp với cả 2 chị em gái do nhân duyên đặc biệt. Dù khiếm khuyết về hình thể nhưng thầy thật may mắn khi có được tình yêu trọn vẹn của 2 người phụ nữ trong cuộc đời mình.

Mối tình đẹp đầu đời 

Chúng tôi đến nhà thăm nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Trong suốt câu chuyện của ông với chúng tôi, bà Vũ Thị Đậu lặng lẽ ngồi lắng nghe, chốc chốc lại ngước nhìn chồng một cách đồng tình và đầy âu yếm. Thỉnh thoảng, bà bóp chân cho ông. Rồi lại lấy thuốc cho ông.

Một cách tự nhiên và thuần thục, bà đứng  sát bên kề ly nước lên miệng ông giúp ông uống. Khi khách tỏ ý thán phục sự chăm sóc chu đáo của bà dành cho ông, ông nhìn bà bằng ánh mắt đầy trìu mến và cảm kích. Rồi ông say sưa kể về... người phụ nữ khác – bà Vũ Thị Nhiễu, người vợ trước của ông. Rằng bà Nhiễu cũng chính là chị ruột của bà Đậu.

Hồi đó, thời thanh niên ông mặc cảm tật nguyền, không dám có ý định lấy vợ. Nhưng vào năm 23 tuổi, nghe theo lời khuyên của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hoàn cảnh như cháu càng phải lấy vợ sớm chứ”, ông bắt đầu mạnh dạn để ý tìm ý trung nhân cho mình. Lúc đó, năm 1971, bà Vũ Thị Nhiễu lần đầu tiên theo anh rể mình đến thăm thầy giáo Ký. Bà Nhiễu vốn là cô gái xinh đẹp nhất nhì vùng Hải Hậu, Nam Định bấy giờ, cũng vừa tốt nghiệp trung cấp sư phạm.

“Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi và cô ấy đã phải lòng nhau. Cái dáng dấp mảnh mai, nhất là đôi mắt của cô ấy vô cùng diễm lệ đã hớp hồn tôi”. Rồi bà về. Đêm ấy, ông viết ngay bài thơ gửi bưu điện tặng bà, ngoài bì thư ghi rõ “Gửi Vũ Thị Nhiễu yêu thương”. Có lẽ bởi bài thơ mà sau đó, người con gái mảnh mai ấy đã một mình một xe đạp băng 30 cây số đến thăm ông. Lần tái ngộ đó đã khiến ông ngỡ ngàng: 
“Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình, còn bà ấy xăm xăm băng lối đường xa ba mươi cây số để đến với mình”.

Lần gặp gỡ ấy đã để lại cho hai người kỷ niệm sâu sắc, có cả nụ hôn đầu đời, vòng tay của cô gái trong một đêm không trăng và tiếp tục được hiện thực hóa lãng mạn bằng thơ. 
"Tối nay hai đứa bên thềm/ Trời không trăng, đất dịu hiền lặng im/ Khuya về thăm thẳm màn đêm/ Vẫn đôi mắt ấy ánh lên sắc hồng/ Đây của em cả tấm lòng/ Một mình anh trọn giữa vòng yêu thương/ Đây của anh cả yêu thương/ Xin dành em hết/ Bốn phương đất trời”.
 

Đến với nhau bằng tình yêu mãnh liệt, song cặp đôi đã vấp phải sự phản đối từ phía gia đình cô Nhiễu. Mấy ai tin được một người con gái xinh đẹp lại chọn người yêu, người chồng tật nguyền, liệt hai cánh tay. Khi gia đình bà Nhiễu cũng biết chuyện. Ông bố cấm tiệt, thậm chí còn đuổi đánh con gái thừa sống thiếu chết đến nỗi em gái là bà Vũ Thị Đậu bây giờ, do quá thương chị, đã đưa thân che chắn cho chị.

Hạnh phúc thanh thản chỉ thực sự đến với họ sau sự can thiệp vun vào thành công của nhà thơ Đoàn Văn Cừ bằng những lý lẽ... liều nhưng chí lý đối với ông nhạc: “Ai rồi cũng phải chết, chỉ có nhà văn, nhà thơ là sống mãi thôi. Ký nó là nhà thơ đó. Hơn nữa, giọng nó nghe sang mà cái tên cũng hay: Chữ ký trên ngọc (Ngọc Ký)”.

Đám cưới là kỷ niệm không quên với ông. Cho đến bây giờ ông vẫn nhơ như in ngày tháng, nhất là quà mừng tinh tế của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi, gồm hai xấp vải cho cô dâu và chú rể cùng chiếc khăn nhiễu trùng tên cô dâu.

Đôi vợ chồng chung sống bên nhau 30 năm hạnh phúc với lần lượt 3 đứa con ra đời. Song ông bà đã không có duyên đi cùng nhau đến trọn cuộc đời. Cuộc tình ấy cũng đẫm gian nan và nước mắt tử biệt.
 

Tình chị duyên em

Sau khi từ miền Bắc chuyển vào TPHCM sinh sống, bà Nhiễu bị tai biến liệt một nửa người. Trong 7 năm người vợ hiền nằm một chỗ, người chồng với đôi tay tàn phế đã luôn là trụ cột kinh tế của cả gia đình và là chỗ dựa tinh thần tuyệt đối cho bà. Ông bận bịu đi dạy, viết sách nuôi tất thảy 6 người trong gia đình (gồm cả người giúp việc và bác sĩ riêng trong gia đình).

Những ngày chị gái bệnh, bà Đậu, lúc này đã ở góa gần 10 năm với hai người con, cũng lặn lội từ Thái Bình vào chăm sóc cho chị. Không yên tâm nhắm mắt để lại người chồng với đôi tay bị liệt, bà Nhiễu cứ nắm tay năn nỉ em gái: “Sau khi chị mất, em hãy thay chị làm vợ và chăm sóc anh”. Bà Đậu nghe thế cứ giãy nảy lên: “Ai đời em vợ đi lấy anh rể!”.
Trong lúc thập tử nhất sinh, bà cũng nói với chồng: "Nếu như em có mệnh hệ gì, anh cố gắng thương lấy 'cái Đậu' vì chồng nó cũng mất sớm. Giúp dì dạy dỗ các con".

Bài 3: Chuyện tình cảm động của "người phi thường" Nguyễn Ngọc Ký | PLO |  PLO

Thầy Ký và người vợ thứ 2, cũng là em gái ruột của người vợ đầu.

Một thời gian sau, gia đình hai bên nhận thấy nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký thể hiện tình cảm chân thành nên chuyển sang ủng hộ vun vén cho ông và bà Đậu. Một đám cưới giản dị diễn ra sau đó, để rồi từ đó về sau ông bà không còn cô đơn, đã có người bầu bạn sớm khuya và an tâm chăm nom nhau những lúc trái gió trở trời.

“Trước khi sương gió mù trời/ Ngổn ngang lá rụng/ Nhớ người cõi xa/ Em là cánh én trong ta/ Thức xuân dậy sớm/ Đóa hoa ngỡ tàn” - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký ví von cô Đậu - người vợ hiện tại - như là một cánh én, báo hiệu mùa xuân mới khi ông đang đắm chìm trong sự mất mát của tình yêu.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký của hôm nay - Giáo dục Việt Nam
Dù đi đâu làm gì, 2 ông bà vẫn luôn bên nhau.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy mà đã 20 năm trôi qua rồi, ông bà vẫn luôn kề vai sát cánh hạnh phúc bên nhau. Bà Đậu đã đang hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà chị gái đã giao phó và cuộc đời đã se duyên. Bà chính là đôi cánh tay tháo vát và tận tụy của chồng, nâng đỡ ông cả thể chất lẫn tinh thần. Bà thầm lặng kề cần ông trong mọi chăm sóc ăn uống sinh hoạt, hỗ trợ ông viết lách, tháp tùng ông trong mọi chuyến đi. 3 con riêng của ông cho đến nay vẫn giữ thói quen cũ, gọi bà là “dì” và 2 con riêng của bà vẫn gọi ông là bác, nhưng 5 em thương yêu nhau còn hơn cả ruột thịt. Hiện tại, họ thành đạt, đều là bác sĩ và nhà giáo, cũng là niềm tự hào của ông bà.

Ngẫm lại hơn 40 năm tình yêu và ân nghĩa sâu nặng với lần lượt hai người phụ nữ là hai chị em ruột, đã gắn bó với ông bằng tất cả trái tim, ông bồi hồi: “Cuộc đời tôi được may mắn quá lớn. Với một người đàn ông bình thường, tìm được cho mình một người phụ nữ hết lòng yêu thương mình đã khó. Còn tôi có đến hai người phụ nữ tâm đầu ý hợp trong gần hết đời người”.
 Với ông, cả hai bà vợ đều là những người phụ nữ tuyệt vời. 

Cuộc tình đặc biệt của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký với 2 chị em ruột

Bất chấp khiếm khuyết thể chất và căn bệnh suy thận mãn của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, hầu như cứ được ở bên nhau là hai vợ chồng ông lại rộn vang tiếng cười.

Trong bữa ăn thân mật cùng chương trình 'Gõ cửa thăm nhà', NGƯT Nguyễn Ngọc Ký không ngần ngại khi bày tỏ những lời nói yêu thương, đậm chất “ngôn tình” dành cho bà xã U70 khiến ai nấy đều ngưỡng mộ. Giống như những vần thơ Nguyễn Ngọc Ký tặng bà vào sinh nhật lần thứ 60: “Chúc em mãi mãi trăng rằm, dịu êm như khúc bổng trầm dân ca/ Vẫn là bóng cả cây đa/ Vẫn là chồi biếc, vẫn là mùa xuân”. 

Hơn ai hết, chắc thầy Nguyễn Ngọc Ký đồng cảm nhất với trải nghiệm và chia sẻ của Nick Vujicic: “Trong cuộc đời, nhất định sẽ có người chú ý đến bạn, nhìn vượt trên những khiếm khuyết và thiếu sót của bạn. Và dù bạn không hoàn hảo, người đó vẫn yêu bạn”.

Theo vietnamnet.vn & vtc.vn

Thầy Nguyễn Ngọc Ký - Tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận


(*) Xem thêm

Bình luận