Mai Đức Chung: Người thầy "thất thập cổ lai hy" sờn vai áo cho nhiều lần rạng rỡ Việt Nam

10/02/2022 | 281

Trong một xã hội đã biến thiên quá nhiều vì tiền tài, danh vọng, ông vẫn cần mẫn - miệt mài - kiên trì tìm đến những điều tốt đẹp nhất cho bóng đá, con người và đất nước Việt Nam.

Mai Đức Chung: Người thầy

Đại thi hào Đỗ Phủ lúc sinh thời từng phóng tác nên bài thơ "Khúc giang đầu - kỳ nhị", kể về sự say sưa sảng khoái, giấc mơ tỏ bày với chén rượu phong lưu. Trong đó có một câu thơ đã hóa thành bất tử để đi sâu vào trong nhân gian: "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", nghĩa là "Người sống đến bảy mươi tuổi xưa nay hiếm". Độ tuổi 70 với người đời xưa có thể coi là thọ ngang quỷ thần, còn với người đời nay, đấy là bậc trưởng lão đức cao vọng trọng.

Tuy nhiên, vào ngày hôm qua cả dải đất hình chữ S đã lên cơn sốt về một người thầy "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", đó là HLV Mai Đức Chung, người đưa đội tuyển bóng đá nữ quốc gia vào World Cup. Sinh năm 1951 trên giấy tờ, HLV Mai Đức Chung đã bước vào tuổi 72.

Ở cái độ tuổi mà nhiều người chọn cách sum vầy với con cháu, và tận hưởng cuộc sống bình lặng sau bao nhiêu năm tháng chinh chiến, thì HLV Mai Đức Chung lại đội mưa, đội gió, đội nắng trên sân cỏ, trên sân tập, để hiện thực hóa khát vọng thành công cho bóng đá nữ Việt Nam.

 Mai Đức Chung: Người thầy thất thập cổ lai hy sờn vai áo cho lần đầu rạng rỡ Việt Nam - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Ngọc Uyển, vợ HLV Mai Đức Chung đã tâm sự "Có lẽ đã lâu lắm rồi, vợ chồng chúng tôi mới xa nhau ngày Tết". Và như lời bà kể lại rằng: "Trước khi ông ấy cùng đội sang Tây Ban Nha tập huấn, còn được 76 cân, giờ gọi về cho tôi bảo, chỉ còn 72 cân thôi. Thương ghê lắm. Nhưng cũng tự hào ghê lắm".

Điều gì đã đưa một HLV tuổi thất thập, đã là huyền thoại sống ở khu vực Đông Nam Á ở bình diện bóng đá nữ, lại phải chinh chiến đến sờn vai như thế, xa vợ xa con ngày Tết, dầm mưa dãi nắng theo đúng cái nghĩa của nó? Bảo là đam mê liệu có phải đã lãng mạn và đơn giản hóa quá chăng?

HLV Mai Đức Chung xin thôi dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam ở World Cup, VFF nói gì? - 1

Vị tướng già tự "quăng" mình vào "ly loạn", dám "đứng mũi chịu sào" để Việt Nam được "lẫy lừng"

Sự nghiệp của HLV Mai Đức Chung - nói không ngoa, là một chuỗi dài những lần "bị bắt nạt" vì hiền quá. Chẳng có ai như ông cả, ngay tại lễ ra mắt trên cương vị HLV tạm quyền của đội tuyển quốc gia, đã bị "bắt nạt" đến tối tăm mặt mũi, bởi những người tính ra là "sếp" của mình, những quan chức VFF như Trưởng ban chiến lược VFF Phạm Ngọc Viễn hay Ủy viên Ban chấp hành VFF Lê Văn Thành.

Ngày ấy, ông Lê Thụy Hải cực kỳ bức xúc với cái cách mà người ta đối đãi với người đàn em thân thiết của mình, khi bóng đá Việt Nam đang trong cơn "nước sôi lửa bỏng", chỉ có duy nhất ông Mai Đức Chung là dám "xắn tay áo nhảy vào nồi nước sôi", ấy thế mà họ "mắng" ông xơi xơi chỉ bởi vị tướng tạm quyền của đội tuyển quốc gia triệu tập Phí Minh Long và Mạc Hồng Quân. Đấy là quyền, cũng là trách nhiệm của ông. Ấy vậy mà họ chất vấn như thể ông phạm tội vậy.

 Mai Đức Chung: Tổ quốc gọi tên vị tướng già ném mình vào ly loạn để Việt Nam được lẫy lừng - Ảnh 1.

"Tôi cho cháu lên đây chỉ để dự bị, tôi sẽ đào tạo tiếp cho cháu. Tôi nói vậy mong các anh hiểu và thông cảm. Tôi là nhà chuyên môn chứ không phải người thân, chú bác của Phí Minh Long. Tôi lấy ví dụ, nếu Công Phượng đá hỏng phạt đền cũng không gọi lên thì chúng ta mất một tài năng à? Chúng ta làm chuyên môn mà loại cầu thủ chỉ vì một sai lầm thì đấy là lỗi lớn của chúng ta", ông Chung đã khẩn khoản đến như thế, ấy vậy mà rốt cuộc vẫn đi "đánh" đến rát mặt.

Nghe tin, ông Lê Thụy Hải đốp ngay: "Ông Viễn, ông Thành biết chuyên môn không mà hỏi ông Chung? Không có lãnh đạo nào lại như thế cả. Anh là lãnh đạo, mà những người bị lãnh đạo mắng thì họ biết làm sao?".

Ông Hải vẫn thế, vẫn luôn "đốp thẳng mặt" những người dám coi thường thứ chuyên môn không hề cứng nhắc, mà ngược lại đầy tình người của ông và ông Chung. Cầu thủ gọi ông Hải bằng "bố", còn với ông Chung, việc "trân mình chịu trận" chỉ để cho Phí Minh Long một cơ hội "làm lại" vốn đã quá đỗi bình thường, dù phải nhận phần thiệt thòi, ấm ức về mình.

 Mai Đức Chung: Tổ quốc gọi tên vị tướng già ném mình vào ly loạn để Việt Nam được lẫy lừng - Ảnh 2.

Phí Minh Long không phải là cầu thủ duy nhất được HLV Mai Đức Chung trao "cơ hội thứ hai". Cái ngày mà bóng đá Việt Nam "chạm đáy" với thất bại tủi hổ trong tay Hữu Thắng, U22 Việt Nam không phải là nạn nhân lớn nhất của HLV xứ Nghệ này, mà phải là Anh Đức.

Việc đầu tiên trên cương vị HLV tạm quyền đội tuyển Việt Nam của ông Chung là gọi cuộc điện thoại đem "tội nhân của bia miệng" Anh Đức trở lại. Ngày ấy, cái án "từ chối nghĩa vụ quốc gia" vẫn treo lơ lửng trên đầu tiền đạo Bình Dương.

"Đức ơi, bố quay về làm đội tuyển tạm thời. Bố mời lên tham gia đội tuyển, hỗ trợ giúp đỡ bố nhé", HLV Mai Đức Chung kể lại cuộc điện thoại mời Anh Đức trở lại ngày ấy. Đấy là lời mời không thể từ chối - lời mời từ tận đáy lòng của "vị tướng già" không chỉ luôn hết lòng vì bóng đá Việt Nam, mà còn thương cầu thủ như con, như cháu. Anh Đức xin nửa tiếng để suy nghĩ, để rồi chỉ nửa tiếng sau gọi lại cho ông để cảm ơn và đồng ý.

 Mai Đức Chung: Tổ quốc gọi tên vị tướng già ném mình vào ly loạn để Việt Nam được lẫy lừng - Ảnh 3.

Phần còn lại trở thành một phần lịch sử vinh quang của bóng đá Việt Nam. Hai trận cầm quân "chữa cháy", ông Mai Đức Chung thắng cả hai. Nhường chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG cho HLV Park Hang-seo, ông Chung trao luôn cho ông thầy người Hàn Quốc "cây chủy thủ" sắc bén bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Trở lại từ lời mời thiết tha của người thầy tận tâm, Anh Đức tỏa sáng rực rỡ, ghi danh vào lịch sử với bàn thắng đem về chức vô địch AFF Cup lần thứ hai cho bóng đá Việt Nam.

Sự xúc phạm trị giá 500 triệu đồng

Không phải Hữu Thắng hay bất kỳ HLV nào từng ngồi trên chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG Việt Nam, Mai Đức Chung mới là người bị "đánh" nhiều nhất, và bị "đánh" vô lý nhất.

SEA Games 2019, sau chức vô địch của bóng đá nữ Việt Nam, rất nhiều khoản tiền thưởng được hứa trao, trong đó có một doanh nghiệp đã trao bảng tiền thưởng trị giá 500 triệu đồng. HLV Mai Đức Chung là người đại diện đứng ra nhận. Song sau đó, doanh nghiệp này "chẩy bửa", đưa ra đủ mọi yêu sách. Hai lần hứa chuyển khoản, song rốt cuộc chẳng có đồng nào được chảy về tài khoản nhận thưởng của đội tuyển nữ Việt Nam, bởi người ta "không tin ai cả".

Năm trăm triệu đồng là số tiền không nhỏ với các cầu thủ nữ, ông Chung thừa biết như vậy. Song đứng ở ranh giới bị xúc phạm nhân phẩm bởi "của cho không bằng cách cho", ông chọn nói lời từ chối thẳng thừng để bảo vệ lòng tự trọng của bản thân, cũng như các học trò.

"Của cho không bằng cách cho. Chúng tôi cảm thấy bị tổn thương và như bị xúc phạm nếu phải nhận cách cho như kiểu ban ơn. Tôi xin cảm ơn công ty ĐG vì đã có ý định thưởng, nhưng bây giờ chúng tôi xin không nhận khoản thưởng này nữa", hiếm hoi lắm, người ta mới thấy ông Chung nói lời "như dao chém đá" đến như vậy.

Nhưng sau câu nói "như đinh đóng cột" ấy của ông, một chiến dịch "truy sát" vị tướng già này được khởi động. Một trang mạng xã hội được lập ra, với đầy đủ các bài vở lớp lang từng hàng, từng ngày bêu xấu ông cùng VFF, nhai đi nhai lại câu chuyện chia tiền thưởng, từ bóng gió đến trực tiếp "tố" ông tiếp tay cho việc ăn chặn tiền thưởng, chia thưởng không đều... Những ngày ấy, những người làm nghề và biết ông đều thực sự cảm thấy lo lắng cho ông. Sức mạnh của mạng xã hội, mấy ai mà lường nổi.

Rốt cuộc, ông Chung cũng "tai qua nạn khỏi". Một phần bởi chẳng ai còn lạ gì sự thẳng thắn và đàng hoàng của ông, các học trò của ông hết lòng bảo vệ thầy. Phần còn lại là bởi... cũng ít người quan tâm đến bóng đá nữ.

 Mai Đức Chung: Tổ quốc gọi tên vị tướng già ném mình vào ly loạn để Việt Nam được lẫy lừng - Ảnh 5.

Chiếc vé dự VCK World Cup 2023 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là kỳ tích lớn lao và rất đáng tự hào. Đấy là chiếc vé quý giá mà bóng đá Việt Nam luôn hằng ao ước, song nó quý giá hơn nhiều khi nhìn vào hành trình gian khổ mà thầy trò HLV Mai Đức Chung phải trải qua để đạt được.

Nhìn cái cách mà đội tuyển nữ Việt Nam chiến đấu đến kiệt sức trước Hàn Quốc ở trận khai màn Asian Cup trên đất Ấn Độ, mới thấy nỗ lực của họ tuyệt vời đến nhường nào. Nếu không phải là HLV Mai Đức Chung, nếu không phải là niềm tin tuyệt đối của các học trò vào ông thầy luôn có được sự uy tín tuyệt đối như "vị tướng già" ấy, liệu những cô gái Việt Nam có cháy hết mình được như thế, để đem về chiến tích lẫy lừng cho bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế hay không?

Ông Chung từng kể lại trong cuộc gặp cuối cùng với ông, người bạn già Lê Thụy Hải đã dặn dò: "Anh em mình còn sức khỏe, còn cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Tất cả vì cái chung chứ không có chút cá nhân nào ở đây cả, sao cho không bao giờ phải hối tiếc".

 Mai Đức Chung: Tổ quốc gọi tên vị tướng già ném mình vào ly loạn để Việt Nam được lẫy lừng - Ảnh 6.

Suốt hành trình dài gần một đời người đá bóng và làm bóng đá, sự dấn thân của HLV Mai Đức Chung là điều những ai từng có vinh dự được làm việc cùng ông, tiếp xúc với ông đều hết lòng cảm phục. Nhưng với ông, hai chữ "dấn thân" dường như xa lạ, có lẽ cũng như cố HLV Lê Thụy Hải, với ông đơn giản chỉ là "sống sao cho không bao giờ phải hối tiếc".

Sáng ngày hôm nay 10/2, vị tướng già ấy cùng đoàn quân vinh quang của mình đã trở về quê nhà và đã được người hâm mộ chào đón theo cách trọng thị nhất. Nhưng ai mà biết được khi mọi thứ đi qua, bão tố có lại ập xuống đầu ông như bao lần khác.

Vào năm 2017, khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức và để lại một khoảng trống ở chiếc ghế đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên Việt Nam lại vướng 2 trận đấu với Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019. VFF đã liên hệ khắp nơi nhưng chẳng ai dám nhận ghế, thứ nhất là vì sợ thất bại, thứ hai là vì lòng tự ái nghề nghiệp (cầm quân xong 2 trận thì rời ghế).

Duy chỉ có HLV Mai Đức Chung là dám nhận nhận trách nhiệm. Thời điểm ông nhận ghế là vừa vô địch SEA Games về. Phát biểu ngày hôm đó, HLV Mai Đức Chung đã nói: "Tôi là người Đảng viên. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, chẳng ai nhận thì tôi nhận thôi. Thắng tôi nhận, thua tôi chịu trách nhiệm, đánh đổi bằng danh tiếng, tôi cũng chấp nhận. Cả đời tôi sống thế rồi, sá gì chỉ một trận đấu này".

Đấy chính là sâu xa con người của HLV Mai Đức Chung, một kiểu người thuần túy và giàu lý tưởng. Chính vì cái lý tưởng cao đẹp mà ông đã chọn, nên ông chẳng nề hà khó khăn, chẳng ham hư danh trói buộc. Khó khăn không ngăn chặn được tinh thần chiến đấu và sự dũng cảm của HLV Mai Đức Chung.

 Mai Đức Chung: Người thầy thất thập cổ lai hy sờn vai áo cho lần đầu rạng rỡ Việt Nam - Ảnh 2.

 Mai Đức Chung: Người thầy thất thập cổ lai hy sờn vai áo cho lần đầu rạng rỡ Việt Nam - Ảnh 3.

Có thể nói, bên cạnh vấn đề tài năng chiến thuật, cách xây dựng đội bóng đá nữ, thì tính cách của ông mới là tiền đề để tạo nên phép màu World Cup trong tuổi thất thập này. Trong một xã hội đã biến thiên quá nhiều về tiền tài, danh vọng, ông vẫn là con người của sự ban đầu, là tìm đến những điều tốt đẹp nhất cho bóng đá Việt Nam, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.

Ngày hôm ấy ở Campuchia, người ta chứng kiến cảnh người thầy đã 66 tuổi ra rèn chiến thuật cùng học trò giữa cơn mưa tháng Chín như trút nước ở Campuchia. Bất chấp những khó khăn về lực lượng, bất chấp tinh thần xuống dốc sau thất bại ở SEA Games, ông đã đưa tuyển Việt Nam vượt qua Campuchia với tỷ số 2-1.

 Mai Đức Chung: Người thầy thất thập cổ lai hy sờn vai áo cho lần đầu rạng rỡ Việt Nam - Ảnh 4.

Phát biểu sau trận đấu, HLV Mai Đức Chung có nói một câu rất hay đúng với con người của ông "Hãy đánh giá rằng chúng ta đã thành công. Cái thành công ấy là vượt qua được khó khăn". Trận lượt về, ông đưa đội tuyển giành thắng lợi giòn giã 5-0 trước Campuchia trên sân Mỹ Đình, và tiến bước dài đến tấm vé dự vòng chung kết Asian Cup 2019.

Một tháng sau, HLV Mai Đức Chung rời đi trong lặng lẽ, để ấn kiếm đội tuyển lại cho một người đàn ông vừa được ký hợp đồng từ Hàn Quốc. Tên của người đàn ông ấy là Park Hang-seo.

Kể từ ngày đó, bóng đá nam Việt Nam chỉ còn biết đến HLV Park Hang-seo và những thành tựu suốt 4 năm qua của đội tuyển quốc gia. Không ai còn nhớ đến người thuyền trưởng đã cầm lái trong lãng quên và sự thờ ơ, trong bão lửa của áp lực dư luận, và cả sự trốn tránh của bao nhiêu HLV lão làng.

Nhưng vị tướng già ấy vẫn luôn âm thầm, kiên cường, vững tay chèo lái để dần đưa con thuyền bóng đá nữ Việt Nam vượt qua mọi "bão tố phong ba" để đến được những bến bờ bình yên và vinh quang.

HLV Mai Đức Chung cống hiến nhiều năm cho bóng đá Việt Nam từ thời làm cầu thủ cho tới khi chuyển sang công tác huấn luyện. Ông lần đầu dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam năm 2003 và giúp đội giành hai HC vàng SEA Games (2003, 2005). Sau đó, ông chia tay bóng đá nữ để làm trợ lý đội tuyển nam và dẫn dắt một số CLB V-League. Năm 2017, ông trở lại nắm đội tuyển nữ và cùng đội đoạt thêm hai HC vàng SAE Games (2017, 2019).

 Mai Đức Chung: Người thầy thất thập cổ lai hy sờn vai áo cho lần đầu rạng rỡ Việt Nam - Ảnh 5.

Và mới đây, ông đã vừa hoàn thành ước nguyện lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân khi giúp đội tuyển nữ lần đầu tiên giành vé tham dự World Cup sau chiến thắng 2-1 trước Đài Loan. "Tối về tôi có ngủ được đâu, sung sướng quá mà", HLV Chung nói về cảm xúc cá nhân sau trận đấu. Để có được tấm vé tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, tuyển nữ Việt Nam đã trải qua hành trình gian nan, tưởng chừng không đủ quân thi đấu tại Asian Cup 2022 vì có tới 19 cầu thủ dính Covid-19 sau chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha.

Bây giờ sau hành trình dài đầy gian nan, thử thách nhưng cũng đầy vinh quang của người thầy họ Mai và các cô học trò, người ta mới nhìn thấy một "viên ngọc trong đá"! Dẫu trong "bão táp, mưa sa" trong vỏ ngoài thô cứng, sần sùi thì ngọc vẫn là ngọc, để một ngày phát quang rực rỡ.

Ngày "con thuyền" bóng đá nữ Việt Nam đi ra biển lớn, chúng ta vui sướng một thì lại càng tự hào hai khi vị thuyền trưởng đem con tàu ra biển ấy là "con Lạc cháu Hồng", người mang dòng máu Việt Nam, niềm tin Việt Nam, và cả lý tưởng Việt Nam ở tuổi thất thập xứng đáng cho người trẻ noi theo và học tập.

Tổ quốc gọi tên người

Chiều 9-2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động cho Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia, Huấn luyện viên trưởng và các cầu thủ của Đội tuyển đã lập thành tích xuất sắc đưa đội tuyển bóng đá nữ lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Vòng chung kết giải Vô địch bóng đá nữ Thế giới (World Cup) 2023 của Liên đoàn bóng đá Thế giới.

Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia và Huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung Huân chương Lao động hạng Nhất.

Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội tuyển nữ, HLV Mai Đức Chung - 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và HLV Mai Đức Chung

Các cầu thủ khác của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia là Chương Thị Kiều, Huỳnh Như và Nguyễn Thị Tuyết Dung được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Các vận động viên Thái Thị Thảo, Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Thị Kim Thanh và Phạm Hải Yến được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trước đó, ngay sau khi đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành chiến thắng trước đội tuyển Thái Lan hôm mùng 2 Tết Nhâm Dần 2022 (2-2-2022) và thắng đội tuyển Đài Loan (Trung Quốc) hôm mùng 6 Tết Nhâm Dần (6-2-2022), Chủ tịch nước nước Nguyễn Xuân Phúc đều gửi lời khen ngợi, biểu dương các cầu thủ và Huấn luyện viên Mai Đức Chung.

Những nỗ lực, kiên tâm với vô vàn mồ hôi và nước mắt của Hlv Mai Đức Chung và đội tuyển bóng đã nữ quốc gia Việt Nam cuối cùng cũng đã được ghi nhận và đền đáp xứng đáng. Cả nước Việt Nam biết ơn Ông và Đội tuyển vì đã làm hồng thêm sắc hoa đào mùa xuân này cũng như tô thắm thêm màu cờ đỏ sao vàng của tổ quốc.

Vị "thuyền trưởng" đến lúc được nghỉ ngơi

Ngay sau chiến thắng rực rỡ của các cô gái vàng trong "làng bóng đá" Việt Nam, người hâm mộ bất ngờ trước thông tin HLV Mai Đức Chung xin dừng dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam ở World Cup 2023.

Thông tin HLV Mai Đức Chung xin thôi dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam ở World Cup 2023 xuất hiện trên truyền thông chỉ một ngày sau khi ông cùng các học trò tạo nên chiến tích lịch sử, giành quyền tham dự World Cup 2023. Nhà cầm quân 72 tuổi cho biết ông vẫn sẵn sàng hỗ trợ đội tuyển trong vai trò cố vấn. 

Đội tuyển nữ Việt Nam được đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất  | Tin tức mới nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn

"Hết năm nay, tôi xin nghỉ thôi. Tôi đã lớn tuổi, cũng mệt mỏi rồi. Tôi sẽ cố gắng giới thiệu người khác dẫn dắt đội. Tôi cũng xem xét hết rồi, một vài người chưa được, nhưng có thể là HLV ngoại. Nếu được, tôi sẽ đảm nhận vai trò cố vấn, không trực tiếp làm nhưng vẫn có thể theo đội dự World Cup", HLV Mai Đức Chung trả lời truyền thông trưa 7/2, một ngày sau khi cùng tuyển nữ Việt Nam giành vé dự vòng chung kết World Cup 2023.

Theo kế hoạch của HLV Mai Đức Chung, SEA Games 31 trên sân nhà vào tháng 5/2022 sẽ là giải đấu cuối của ông với tuyển nữ Việt Nam, trên cương vị HLV trưởng. Việc ông xin nghỉ dẫn dắt đội tuyển khiến nhiều người tiếc nuối bởi ông đã gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam trong thời gian dài, rất am hiểu các cầu thủ và có nhiều thành tích vang dội.

"Năm sau, tôi cũng 73 tuổi rồi còn gì", câu nói của HLV Mai Đức Chung thốt ra khi công bố ý định rút lui ngay sau chiến tích huy hoàng của bóng đá Việt Nam, thoạt nghe là vô cùng hợp lý, song hàm chứa trong ấy là không ít nỗi xót xa.

Cầu chúc cho ông luôn luôn mạnh khoẻ, bình an để dõi theo từng bước tiến của các nữ "chiến binh" sân cỏ, cũng cầu mong cho bóng đá Việt Nam dần có vị thế ngày càng cao hơn trên trường quốc tế.

Thắm Lê tổng hợp (theo cafebiz, soha.vn, 24h.com.vn, ngoisao.net & vtc.vn)


(*) Xem thêm

Bình luận