Cô gái Việt trở thành nhà vô địch cuộc thi kết hợp khắc nghiệt nhất hành tinh: bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy 422km liên tục 14 ngày

18/09/2022 | 267

Là người Việt Nam đầu tiên trở thành nhà vô địch cuộc thi Deca-Triathlon World Championship, Thanh Vũ đã "tô thắm" thêm lá cờ Việt Nam trên bầu trời thế giới.

Hành trình khắc nghiệt nhất hành tinh

Runner Thanh Vũ (Vũ Phương Thanh, sinh năm 1990 tại Hà Nội) nổi tiếng trong làng chạy bộ bán chuyên Việt Nam với nhiều thành tích ấn tượng. Không dừng lại ở những thành công đã đạt được, với ước mơ trở thành người bền bỉ nhất thế giới, mới đây, Thanh Vũ đã xuất sắc về nhất hạng mục nữ trong cuộc thi Deca-Triathlon World Championship 2022, được tổ chức tại Thuỵ Sỹ.

Cụ thể, ngày 28/8, trang Website, Facebook và Instagram chính thức của cuộc thi đồng loạt công bố kết quả runner Thanh Vũ đã trở thành nhà vô địch cuộc thi Deca-Triathlon World Championship 2022 với thành tích 14:10:35:55.Cô gái Việt trở thành nhà vô địch thế giới cuộc thi bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy 422km liên tục 14 ngày - Ảnh 1.

Thanh Vũ trở thành nhà vô địch thế giới cuộc thi Deca-Triathlon 2022 được tổ chức tại Thụy Sĩ. Ảnh: Swissultra

Sau Thanh Vũ, bà Nadine Zacharias - đến từ Pháp - hiện đã 60 tuổi cũng đã hoàn thành đường đua với mốc thời gian 14:19:05:37.

Đến với cuộc thi lần này, Thanh Vũ đã tập luyện và chuẩn bị rất nhiều, đây là sân chơi mà cô đã muốn thử thách từ lâu. Được biết, nội dung thi của Deca-Triathlon World Championship 2022 gồm 3 môn phối hợp là bơi lội, đạp xe và chạy. Khi tham gia cuộc thi, các VĐV sẽ phải hoàn thành chương trình thi đấu bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy 422km diễn ra liên tục 14 ngày.

VĐV Thanh Vũ vô địch giải 3 môn phối hợp là ai?

Nữ runner thi đấu suốt 14 ngày với các nội dung bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy 422km. Ảnh: Swissultra

Với tính chất khắc nghiệt và cực kỳ thử thách, vậy nên cuộc thi chỉ có 23 VĐV trên thế giới đăng ký tham dự và tính đến tối 28/8, Thanh Vũ là 1 trong 2 nữ VĐV đã hoàn thành hết các hạng mục thi đấu.

Trong khi đó đã có 14 VĐV nam đã hoàn thành hết các chặng đua và người vô địch hạng mục nam là Kenneth Vanthuyne - đến từ Bỉ. Kenneth Vanthuyne đã xuất sắc giành chức vô địch hạng mục nam khi hoàn thành đường đua với mốc thời gian 8:08:51:43.

Cô gái Việt trở thành nhà vô địch thế giới cuộc thi bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy 422km liên tục 14 ngày - Ảnh 3.

Cô gái Việt trở thành nhà vô địch thế giới cuộc thi bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy 422km liên tục 14 ngày - Ảnh 4.

Nữ VĐV xúc động khi trở thành nhà vô địch cuộc thi. Ảnh: Swissultra

Với thành tích vô cùng ấn tượng, Thanh Vũ đã hoàn thành mong ước tiếp tục vượt qua giới hạn của bản thân, đồng thời mang dấu ấn của Việt Nam ra thế giới.

Được biết, Thanh Vũ từng là du học sinh ở Singapore, Canada và Anh sau đó cô làm việc cho hãng tin phân tích tài chính Bloomberg. Tuy nhiên sau đó cô đổi hướng, tìm đến những thử thách mới hơn để khám phá ra giới hạn của bản thân.

Cô gái Việt trở thành nhà vô địch thế giới cuộc thi bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy 422km liên tục 14 ngày - Ảnh 5.

Cô gái Việt trở thành nhà vô địch thế giới cuộc thi bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy 422km liên tục 14 ngày - Ảnh 6.

Nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc. Ảnh: Swissultra

Với nỗ lực của bản thân, cô đã chinh phục giải chạy siêu bền đa chặng 1.000 km trên 4 sa mạc khắc nghiệt nhất hành tinh gồm: Namib ở Namibia (châu Phi), Gobi (sa mạc gió lớn nhất thế giới, châu Á), Atacama (sa mạc khô nhất, châu Nam Mỹ) và châu Nam Cực - nơi lạnh nhất thế giới.

Tiếp đó, Thanh Vũ đã hoàn thành các giải chạy siêu bền đa chặng trên cả 7 lục địa. Ngoài ra nữ vận động viên 9x còn góp mặt trong nhiều cuộc đua khác như: chạy 522 km qua sa mạc ở Australia năm 2017; 230 km ở Bắc Cực năm 2018; 273 km qua dãy Canyon tại Bắc Mỹ; 170 km qua cung đường tỉnh Solukhumbu, đỉnh Everest năm 2019...

Chia sẻ về động lực đưa mình đến với SwissUltra 2022, Thanh Vũ nói đơn giản đó là lẽ sống của cô.

“Tôi luôn muốn chinh phục thử thách, duy trì khát khao vươn lên bởi nhận thấy việc mình tham gia những sân chơi lớn mang đến nhiều giá trị cho bản thân cũng như truyền cảm hứng cho xã hội.

Tôi tâm niệm phải liên tục thách thức giới hạn của bản thân, năm sau tốt hơn năm trước và trở thành phiên bản tốt nhất ở mỗi thời điểm. Cùng tham gia SwissUltra 2022 có cả những VĐV 60-70 tuổi nên tôi cho rằng tuổi tác không phải là giới hạn cho con người.

Cơ thể con người là một cỗ máy thần kỳ, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, quan trọng là chúng ta có cho phép nó thử thách hay không”, Thanh Vũ chia sẻ.

Kể thêm về hành trình chinh phục SwissUltra 2022, cô gái quê Hà Nội cho rằng thời tiết là một thử thách rất lớn bởi khi mưa rất lạnh còn lúc nắng thì cháy da. Gió thậm chí còn đổi chiều liên tục theo giờ.

Bên cạnh đó, cung đường đạp xe cũng khiến VĐV cảm thấy lạnh sống lưng. “Đường đạp rất hẹp, chỉ đi vừa một xe, một bên là sông, một bên xuống thung lũng, cộng thêm sức gió nên chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ gặp tai nạn. Đó là chưa kể tới có những khúc cua rất gắt, dù đã tìm hiểu kỹ trước khi thi nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng mọi thứ khó khăn đến vậy”.

Tuy nhiên, theo cô gái sinh năm 1990, thử thách lớn nhất là tâm lý: “Tôi từng tham gia rất nhiều giải đấu khác nhau nhưng khi tới SwissUltra 2022 thì mình vẫn thuộc hàng yếu nhất, non kinh nghiệm nhất.

Nhiều thành viên nắm các kỷ lục thế giới. Cá biệt có một bác 70 tuổi từng hoàn thành 70 lần cự ly Ironman (chạy, đạp xe và bơi) phổ thông. Trước những đối thủ như thế, rồi gặp thời tiết không ủng hộ, tôi cảm thấy tủi thân vì quá kém cỏi, nghi ngờ khả năng của bản thân.

“cô gái thép” việt nam kể về hành trình chinh phục hơn 2000km khắc nghiệt

Thanh Vũ trong khoảnh khắc nhận kỷ niệm chương của SwissUltra 2022. Ảnh SwissUltra 2022

Nhưng tôi vẫn kịp trấn tĩnh rằng mình từng đứng trước không ít khó khăn bất ngờ và đều vượt qua nên còn tiến lên được thì phải tiến lên, không cho phép dừng lại.

Rồi việc lặp đi lặp lại các cung đường thi đấu mang đến sự nhàm chán khủng khiếp. Ví dụ như chúng tôi phải đạp xe 200 vòng để hoàn thành quãng đường 1.800km hay cuộc thi kéo dài tới 2 tuần. Nếu không kiên trì, chiến thắng bản thân thì rất dễ bỏ cuộc”.

Cần lắng nghe cơ thể

Thanh Vũ cũng chia sẻ rất nhiều về việc chăm sóc bản thân. Bởi nếu không có thể trạng, sức khỏe tốt, chắc chắn cô không thể thoàn thành xuất sắc SwissUltra 2022.

“Mình phải lắng nghe cơ thể để điều chỉnh sao cho phù hợp. Đơn giản như việc bị rộp da hay chệch chân, nếu không chăm sóc, điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn tới chấn thương hoặc nhẹ thì ảnh hưởng tới thành tích. Ngoài ra, việc bổ sung năng lượng cũng rất cần chú trọng và tính toán khoa học”, Thanh Vũ nói.

Đi vào chi tiết, nữ VĐV Hà Nội cho hay, lượng calo đốt trong tập luyện và thi đấu đã được cô cụ thể hóa thành công thức. Từ đó, dựa trên quãng đường thi để cho ra con số năng lượng cần nạp.

“Tôi chạy 100km sẽ đốt hết 6800 calo, tức cứ 1km sẽ phải nạp 68 calo. Cơ thể tôi hấp thụ tốt năng lượng qua chất lỏng tôi nạp chủ yếu là chất lỏng. Thông thường cứ mỗi 1 vòng đạp xe hay chạy tôi uống 1 cốc nhỏ protein có hạt chia, chất béo, chất khoáng; 1 cốc nhỏ điện giải và 1 cốc nhỏ nước lọc.

Nếu buồn ngủ thì tôi bổ sung cafein bằng một chút nước tăng lực. Việc nạp năng lượng phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật, nước không phải khát mới uống, protein cũng vậy, không đợi đói mới ăn bởi tùy điều kiện ngoại cảnh mà cơ thể có những biến đổi để chống chọi, đánh lừa cảm giác.

Đó là nạp năng lượng trong từng chặng thi đấu. Còn khi nghỉ quãng dài thì tôi ăn bữa chính. Thực đơn bữa chính gồm trứng làm nhuyễn, cải bó xôi, cá hồi xông khói. Những thực phẩm này rất giàu protein, chất béo và đạm”.

Thanh Vũ thực sự là biểu tượng cho sức trẻ và tinh thần vượt qua thử thách, bứt phá mọi giới hạn bản thân, đạt đến chiến thắng vinh quang, và truyền cảm hứng sống động cho bao người.

Theo cafebiz.vn & baogiaothong.vn


(*) Xem thêm

Bình luận