Cô gái Bắc Giang đi dép tổ ong lên Hà Nội học chuyên, bây giờ sở hữu hàng loạt bất động sản giá trị ở Mỹ

01/08/2024 | 192

Có ý chí vươn lên mãnh liệt, nghị lực phi thường cô gái nhỏ nhắn từ một miền quê nghèo đã chinh phục được giấc mơ Mỹ với nhiều thành quả "ngọt ngào".

Tốt nghiệp đại học năm 2020 – đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Phương cũng như các bạn đồng lứa gặp khó khăn khi đi xin việc. Có 2 lựa chọn cho cô gái sinh năm 1998 lúc ấy. Một là làm nhân viên ngân hàng bán thời gian, với lời hứa làm tốt sẽ trở thành nhân viên chính thức. Lựa chọn thứ hai là làm môi giới bất động sản, không có lương cứng, chỉ có tiền hoa hồng khi bán được nhà. 

Phương đặt lên bàn cân giữa một công việc ổn định nhưng không có nhiều triển vọng tương lai, với một công việc rủi ro cao nhưng phù hợp với sở thích về đầu tư, về các con số và khát khao phải thật giàu để có tiền lo cho mẹ. Không suy nghĩ quá nhiều, cô chọn con đường không an toàn – trở thành nhân viên môi giới bất động sản.

Từ Berea (Kentucky), Phương chuyển đến Philadelphia (Pennsylvania) – một thành phố xa lạ cách 1.000km để nhận công việc đầu tiên. Nhưng vấn đề lớn nhất lúc này là sau khi nộp tiền nhà tháng đầu, trong túi cô chỉ còn 500 USD để sống sót ở nước Mỹ. Áp lực phải bán được nhà lớn hơn bao giờ hết. Cuộc sống xa xứ từ đây mới bắt đầu với cô gái sinh ra ở một vùng quê nghèo của vùng đất Việt Yên (Bắc Giang). 

4 năm học đại học bằng học bổng toàn phần, Phương không quá chật vật về tiền bạc. Mặc dù cô cũng chọn cho mình con đường “khó nhằn” hơn số đông là học 2 chuyên ngành Toán và Kinh tế cùng lúc, làm thêm 20 giờ/tuần – mức tối đa dành cho du học sinh, nhưng so với cuộc chiến mưu sinh, những ngày tháng sinh viên vẫn quá êm đềm và dễ chịu với cô nữ sinh nghèo.

Công ty môi giới bất động sản của Phương có một điểm đặc thù, đó là chuyên bán nhà cho các nhà đầu tư thay vì khách mua để ở. Những căn nhà mà cô bán thường là những nhà cũ, ở khu vực xa xôi. Nhà đầu tư sẽ mua lại, sửa sang, rồi cho thuê hoặc bán cho người khác. Nghĩa là khách hàng của Phương đều là những nhà đầu tư sành sỏi và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

“Nghề môi giới bất động sản hầu như chỉ dành cho người da trắng, là đàn ông. Có rất ít phụ nữ Mỹ làm nghề này. Vì thế, bản thân tôi gặp rất nhiều bất lợi. Cả công ty hơn 30 người, nhưng chỉ có tôi và một bạn nữa là nữ” – Phương kể.

Những cuộc gọi của cô hầu hết bị từ chối. Nhiều người tỏ ra coi thường, thậm chí nói thẳng với cô rằng “không làm việc với phụ nữ”. Nhưng không vì thế mà Phương bỏ cuộc. Nếu như các nhân viên khác chỉ gọi 30-50 cuộc điện thoại mỗi ngày thì cô gọi 100 cuộc. “Cứ có thời gian rảnh là tôi nhấc điện thoại, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật”.

Sau khoảng 1 tháng, trong số vô vàn lời từ chối, Phương lập cho mình được một danh sách khách hàng tiềm năng. Cô ghi chú lại tất cả những nhu cầu của khách để khi nào có sản phẩm phù hợp là giới thiệu với họ ngay. 

“Nghề này cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Có những căn nhà tôi phải bán trong vòng 45 phút, nếu không các đồng nghiệp sẽ bán mất luôn”.

Cùng với khó khăn trong công việc, Phương đối mặt với chuyện sống sót chỉ với 500 USD cuối cùng trong túi.

Phương hài hước chia sẻ rằng, cô có thể được mệnh danh là “chúa tể tiết kiệm”. Không ai tưởng tượng được, giữa nước Mỹ phồn hoa, một cô gái 22 tuổi phải cố ăn nhiều cơm trắng cho no bụng và nhiều hôm chỉ dám ăn 1 bữa. 

Kinh điển nhất, thay vì mỗi tháng bỏ ra 96 USD để đi xe buýt, cô thuê xe đạp chỉ với giá 17 USD. Để tiết kiệm 79 USD, Phương đã chọn đi xe đạp 5 ngày/tuần, bất chấp việc sẽ tốn khoảng 1 giờ đồng hồ để đạp xe một chiều và đi bộ từ chỗ gửi xe tới chỗ làm. Hiện tại 79 USD còn không đủ cho một lần cô ra ngoài ăn uống, nhưng vào lúc đó, cô sẵn sàng làm mọi thứ để tiết kiệm được số tiền này.

“Trời mùa hè ở Philadelphia vô cùng nóng nực. Con đường đến công ty lại có nhiều dốc. Đến nỗi, mỗi khi đi qua chiếc xe buýt đúng lúc xe mở cửa cho khách lên, luồng gió mát phả ra chỉ vài giây thôi cũng khiến tôi ao ước mình được lên xe ngay lập tức”.

Cùng với việc thắt chặt chi tiêu, Phương đăng ký dạy học online qua một website. Phương nhận dạy cả người già 60 tuổi đến trẻ con lớp 2, lớp 3, cả những môn học chính thống lẫn những khóa học nghe lạ tai. 

Học hành vốn là sở trường nên cô thường xuyên nhận được những phản hồi tốt và có nhiều lớp hơn. “Những lớp học này được trả công rất thấp, nhưng tôi đâu có gì để mất. Tôi nhận tất cả, miễn sao có tiền để sống”.

Bây giờ nhìn lại, tôi không biết tại sao mình lại vượt qua được giai đoạn ấy, nhưng sau tất cả, tôi biết ơn mỗi cơ hội mà mình nhận được”.

Sang tháng thứ 2 sau khi nhận việc, Phương bắt đầu bán được những căn nhà đầu tiên. Sau 3 tháng, cô trở thành nhân viên bán hàng có doanh số cao nhất công ty trước sự ngưỡng mộ của nhiều người. 

Khi mọi người hỏi bí quyết là gì, Phương chỉ đơn giản chia sẻ: “Hãy làm bạn với khách thay vì làm người bán hàng”. “Tôi coi khách như một người bạn. Tôi chăm sóc họ, hiểu họ cần gì và luôn nói thật với họ. Nếu họ nói chỉ có 1 tỷ để mua nhà, thì đừng cố mời mọc họ một căn nhà 2 tỷ… Đó là bí quyết của tôi”. 

Khi công việc vào guồng, Phương có tiền mua thêm đồ đạc, có tiền tích cóp và gửi về cho mẹ già hay đau ốm. 

Nhưng ông Trời luôn muốn thử thách cô gái bé nhỏ này. Khi công việc suôn sẻ chưa được bao lâu thì cô nhận tin sét đánh: Mẹ cô bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. 

“Đó là tin khủng khiếp nhất cuộc đời tôi”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bắc Giang, Phương mất bố năm 2 tuổi. Nhà chỉ có 2 mẹ con dựa dẫm vào nhau. 

15 tuổi, Phương rời quê nhà lên Hà Nội học Trường THPT Chuyên ngoại ngữ. Không có bố mẹ hỗ trợ như các bạn, một mình Phương tự học, tự tìm hiểu mọi thứ, nắm bắt mọi cơ hội để xin được học bổng du học Mỹ. 

Những năm học đại học, không những không để mẹ phải bận tâm, cô còn chắt bóp tiền học bổng, tiền đi làm thêm để gửi về cho mẹ. “Vài đồng ở Mỹ chỉ là số lẻ, nhưng với mẹ già ở quê, nó giúp ích rất nhiều”. 

Phương tự lập từ sớm nhưng mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là động lực phấn đấu của cô cho đến thời điểm bấy giờ. 

“Bây giờ, khi đã tự tin và trưởng thành hơn, tôi có nhiều lý do để nỗ lực sống tốt. Nhưng lúc ấy, mẹ với tôi là tất cả. Tôi cố gắng đỗ Chuyên ngữ là vì mẹ, cố gắng xin học bổng đi Mỹ là vì mẹ, cố gắng làm việc cũng là vì mẹ. Tất cả những gì tôi đạt được đều là nhờ mẹ và vì mẹ. 

Từ nhỏ, tôi đã ý thức được hoàn cảnh của mình. Tôi thương mẹ và tự nhủ mình phải thành công, phải giàu có, phải thật vững vàng để bảo vệ 2 mẹ con.

Chính vì thế khi nghe tin mẹ bị ung thư, bầu trời như sụp đổ dưới chân tôi. Nếu mất mẹ, tôi sẽ sống vì điều gì?”.

Lúc này, người mẹ đơn thân gần 60 tuổi lại một lần nữa trở thành chỗ dựa, quay ngược lại động viên Phương. “Mẹ bảo ‘con cố gắng lên, bây giờ con về cũng chẳng giải quyết được gì’. Năm ấy, dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp, về Việt Nam rất khó, mà về bây giờ thì lấy đâu ra tiền chữa bệnh cho mẹ”.

Phương dùng lý trí để vực mình dậy. Cô biến đau thương thành động lực – càng phải kiếm thật nhiều tiền để gửi về cho mẹ hóa trị. 

Cũng giống như Phương bơ vơ giữa nước Mỹ, mẹ cũng cô đơn một mình chiến đấu với căn bệnh nan y. Bệnh của mẹ cô lại ở thể hiếm, nguy hiểm và khó điều trị hơn rất nhiều. Phương càng lo lắng và không biết làm cách nào để giúp mẹ khi cách xa mẹ nửa vòng Trái Đất. 

Nhưng như Phương tự nhận, “tôi là đứa sẽ tìm mọi cách trên đời để làm được thứ mình muốn”. Cô nhìn vào tên vị bác sĩ ký phía dưới tờ giấy chẩn đoán và bắt đầu tìm kiếm trên mạng – bác sĩ Lê Trung Thọ.

Sau rất nhiều tìm kiếm và loại trừ, cô tìm được email của bác sĩ Thọ và quyết định gửi thư, chia sẻ hoàn cảnh và nguyện vọng của mình. “Rất bất ngờ, chỉ 1-2 tiếng sau, bác sĩ nhắn lại liền. Bác hỏi xin số mẹ tôi và nói cứ yên tâm, bác sẽ giới thiệu mẹ tôi cho các bác sĩ tốt nhất về ung thư ở Hà Nội. Về sau, bác cũng hướng dẫn, hỗ trợ mẹ rất nhiều trong quá trình thăm khám ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện K”.

Khi mẹ được giới thiệu sang Bệnh viện K, Phương cũng viết một email rất tha thiết gửi tới ban giám đốc bệnh viện. Một lần nữa, những dòng tâm sự da diết của một người con đã khiến ban lãnh đạo bệnh viện cảm động. 

“Điều kỳ diệu nhất là mẹ con tôi nhận được phản hồi của bác sĩ Trần Văn Thuấn, lúc ấy đang là Giám đốc Bệnh viện K và hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế. Bác nhận lời và nói sẽ nhờ các bác sĩ tốt nhất giúp đỡ. Sau đó, tôi biết bác đã làm đúng như lời đã hứa”.

“Tôi gửi đi những bức thư đó trong trạng thái không biết bấu víu vào đâu và cũng không nghĩ rằng người ta sẽ phản hồi lại. Tôi biết ơn vô cùng những vị bác sĩ đã giúp đỡ mẹ mình dù chẳng biết hai mẹ con tôi là ai”.

Phương tâm sự, suốt quãng thời gian ấy, cô bị mất ngủ. Mỗi đêm, cô đều nghĩ đến bệnh tình của mẹ, không biết liệu mẹ điều trị có thành công không. “Tôi đã khóc rất nhiều, đầu lúc nào cũng căng như dây đàn. Nhưng ngày mai thì vẫn phải dậy đi làm. Hai mẹ con không ai dám than vãn với người kia, chỉ biết động viên nhau mỗi ngày”.

Rất may mắn, được sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ, cơ thể hợp với phác đồ điều trị, đến đầu năm 2021, mẹ Phương thực hiện hóa trị xong, kết quả kiểm tra tốt và được xuất viện sau 6 tháng. Đến bây giờ, sức khỏe của bà vẫn ổn định. 

Nói về mẹ, Phương luôn dành những lời tuyệt vời nhất cho bà. “Mẹ là người phụ nữ vô cùng dũng cảm. Mẹ là người chọn ở vậy nuôi các cháu mồ côi đến khi các cháu yên bề gia thất mới nghĩ đến chuyện riêng cho mình. 

Mẹ sinh tôi khi đã gần 40 tuổi. Bố mất, mẹ quyết ở vậy nuôi con để tôi được sống cuộc đời bình yên. Hơn ai hết, tôi nghĩ mẹ xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp nhất và tôi có trách nhiệm phải mang lại điều đó cho mẹ”.

Phương tâm sự, đó cũng là lý do từ nhỏ đến lớn cô luôn nỗ lực học tập. Bởi cô hiểu đó là con đường duy nhất giúp mình thoát khỏi cuộc đời nghèo khó. “Tôi không phải học sinh thông minh nhất lớp nhưng tôi tự tin mình là người chăm chỉ nhất. Từ khi còn là cô bé lớp 4 học trường làng, tôi đã nhen nhóm giấc mơ được đi du học.

Năm lớp 9, khi sắp tốt nghiệp, tôi nghe một người bạn nói về dự định sẽ thi Chuyên ngữ trên Hà Nội. Tôi ngơ ngác hỏi ‘có thể lên Hà Nội học từ lớp 9 à?’. Chưa từng ra khỏi lũy tre làng, nhưng tôi dám bắt xe buýt lên Hà Nội dự thi. Đỗ vào lớp chuyên Anh, tôi là đứa duy nhất trong lớp đi dép tổ ong, trong khi các bạn đi giày, đeo ba lô đẹp, nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh nhoay nhoáy. Hình ảnh tôi lúc ấy đúng là một con bé nhà quê ra tỉnh”. 

Phương vẫn nhớ mãi, khi cô hỏi bí quyết của một bạn cùng lớp đạt IELTS 8.0 năm lớp 10: “Cậu làm thế nào mà giỏi thế?”. Bạn đã trả lời: “Tớ học trường quốc tế từ mẫu giáo”.

Cô chợt hiểu khoảng cách của mình với các bạn lớn như thế nào. 

Ba năm cấp 3, mỗi lần chen chúc trên chiếc xe khách từ Bắc Giang lên Hà Nội, cô bé 15 tuổi tha lôi đủ thứ đồ ăn lên trường để tiết kiệm tiền cho mẹ. Ký túc xá không có tủ lạnh, nhiều lần thức ăn bị thiu, cô vẫn tiếc rẻ ăn nốt, không bỏ. 

Trong khi gia đình các bạn chi vài chục triệu đồng cho những khóa tiếng Anh, viết luận… để đi du học thì cô được mẹ giao kèo “muốn học đại học thì phải tự kiếm tiền”. 

Nhưng đổi lại, Phương có một đức tính hiếm có. Cô chẳng bao giờ nghĩ tiêu cực về những thiệt thòi của mình. Khoảnh khắc cảm thấy tủi thân chỉ thoáng qua vài giây trong suy nghĩ. Cô cứ thế âm thầm cố gắng, âm thầm vươn lên. Không có tiền mua sách hay đi học thêm, cô mượn sách bạn. Không được học trường quốc tế, cô nhờ các bạn sửa phát âm.

“Tôi là người thực tế. Tôi chỉ đặt ra mục tiêu, sống và làm việc hết mình vì nó, chứ không đắm chìm vào những suy nghĩ tiêu cực. Tôi quá bận để thương tiếc cho cuộc đời mình”.

Khi đã có thu nhập ổn định từ công việc môi giới bất động sản, Phương quyết định xây cho mẹ một ngôi nhà mới khang trang hơn. “Sau thời gian điều trị ung thư, mẹ có một nguyện vọng là nếu có chết thì mong được chết trong một căn nhà mới”.

Căn nhà cũ của mẹ con Phương là nhà cấp 4 lụp xụp. Cô thấy mong muốn của mẹ rất chính đáng. “Nếu không phải bây giờ thì là khi nào nữa?” – Phương nghĩ và bắt tay vào làm nhà cho mẹ luôn. 

Căn nhà hoàn thiện xong cũng là lúc Phương cạn kiệt tài chính, quay lại mốc bắt đầu. Nhưng lúc này cô đã ở vị thế khác. Phương tiếp tục công việc môi giới bất động sản với vốn kiến thức tăng lên và tệp khách hàng ngày càng rộng mở. Cô tạo dựng riêng một cộng đồng đầu tư bất động sản cho người Việt ở Mỹ. Từng chút một, tài khoản của Phương lại được lấp đầy. 

Cô mua ngôi nhà đầu tiên với giá 500.000 USD, đầu tư để cho thuê. Sau đó cô lại chung vốn với một người bạn, mua tiếp dãy 19 căn hộ trong một tòa nhà. Tiếp sau đó là một ngôi nhà dành cho riêng mình. 

Ở tuổi 25, Phương đồng sở hữu 21 căn hộ - một thành tích đáng nể hiếm người làm được.

Tất cả những căn hộ này, Phương đều trả trước một khoản tiền, sau đó cho thuê để lấy tiền đó trả khoản vay ngân hàng. Phần dư ra là khoản lợi nhuận. Theo thời gian, giá nhà cũng sẽ tăng so với ban đầu, và đó mới là lợi nhuận chính. 

Hiện tại, công việc môi giới bất động sản chỉ là nghề tay trái, nhưng cũng là hướng đầu tư chủ chốt giúp Phương tiến tới mục tiêu tự do tài chính trong tương lai. Sau khi rời công ty đầu tiên, cô đã trải qua vị trí nhân viên phân tích rủi ro cho một ngân hàng.

Hiện tại, cô làm quản lý cấp cao cho một công ty chuyên cho vay thế chấp – một mảng gắn liền với hoạt động môi giới và kinh doanh bất động sản. Cô cũng được mời dự học chương trình thạc sĩ về phát triển bất động sản ở Đại học Columbia (New York), ngôi trường được xếp hạng số 2 trong danh sách những ngành học bất động sản tốt nhất ở Mỹ theo U.S News.

Khi được hỏi sức mạnh nào giúp Phương vượt qua ngần ấy khó khăn, cô gái sinh năm 1998 chia sẻ: “Có lẽ vì tôi biết rằng tôi không thể trông chờ vào ai khác ngoài bản thân”. 

Phương thích câu khẩu hiệu: “Be water” (Hãy như nước). “Nếu có thể linh hoạt, uyển chuyển như nước thì hoàn cảnh nào mình cũng thích nghi được. Mình sẽ biến khó khăn thành động lực để đi đến đích nhanh hơn. Theo tôi, người có khả năng đứng dậy sau khi vấp ngã sẽ sống sót ở bất kỳ hoàn cảnh nào”. Đó là bí quyết sinh tồn của Phương để thực hiện những ước mơ đời mình.  

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Minh Hòa

​​Bài: Nguyễn Thảo

Nguồn: vietnamnet.vn


(*) Xem thêm

Bình luận