Anh nông dân Nhật chất phác và hành trình của trái dâu tây đến Mộc Châu - Việt Nam

04/09/2021 | 388

Khung cảnh hiện ra trước mắt tôi hệt một cảnh phim lấy bối cảnh nông thôn Nhật Bản: Anh chàng nông dân bản xứ với một vẻ ngoài đậm chất xinê đang khẽ khàng cúi xuống bên những luống dâu tây thập thò trái chín rồi nhẹ nhàng thả chúng vào chiếc giỏ mây rất điệu vắt chéo bên hông. Chỉ là những thao tác lao động giản đơn, nhưng cũng đã phần nào toát lên sự kỹ tính, chỉn chu và tinh tế đầy đặc thù của người Nhật...

“Nông thôn Nhật gần như đã “chết” vì chỉ toàn người già. Người trẻ kéo lên thành phố hết cả rồi. Nhưng ở Mộc Châu, tôi vẫn thấy còn rất nhiều người trẻ, chăm chỉ làm lụng, yêu thương gia đình, người với người gần gũi nhau hơn chứ không lỏng lẻo như ở Nhật

Trở lại Mộc Châu lần này, tôi không đến rừng thông bản Áng hay Ngũ Động Bản Ôn nữa mà là bản Búa (xã Đông Sang), nơi có ruộng dâu tây Nhật Bản mà người chủ của nó là một nhân vật khiến tôi hết sức tò mò. Anh Nahana Shojiro, thay vì tiếp tục làm nghề xây dựng như chuyên môn anh được đào tạo, hoặc... diễn viên điện ảnh (theo thiển nghĩ của tôi) lại bất ngờ trở thành một... anh nông dân trồng dâu, tại một huyện vùng cao của Việt Nam.

Người chiều đất, đất chiều cây

Tính đến nay đã qua mùa xuân thứ 9, Nahana Shojiro chọn sống tại Việt Nam, giữa trang trại dâu tây giống Nhật do anh miệt mài gầy dựng trong suốt bằng ấy năm trời. Trước anh, có một ông già người Nhật, với thâm niên 40 năm hành nghề trồng trọt, cũng từng lặng lẽ mang cây dâu tây Nhật sang nhân giống tại Việt Nam. Lúc đầu trồng thử nghiệm tại Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình..., rồi cuối cùng dừng lại Mộc Châu, vì điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây được ông cho là phù hợp với cây dâu tây Nhật hơn cả. Được chừng một năm, khi cây dâu tây Nhật đã bắt đầu bén rễ được trên đất lạ và trang trại trồng dâu tại xứ hoa đào dần thành hình, thì ông cụ quyết định về lại Nhật, tìm người tiếp quản để lại tiếp tục... mang cây dâu Nhật qua Lào (một sở thích khác người của ông).

“Ở Tokyo có một CLB rất thú vị: CLB những người yêu thích nghề làm vườn, với những thành viên đến từ mọi ngành nghề, mỗi tháng lại tụ họp một lần. Năm 2012, tôi đã gặp ông Otsuka ở đó, lúc ấy đã 73 tuổi, còn tôi 33. Trông Otsuka rất dễ thương với một tình yêu đầy thuần khiết! May mắn thay, người đầu tiên ông bắt chuyện là tôi, và tôi có thể lên đường ngay mà không đắn đo gì, dù lúc đó, công việc của tôi đang rất tốt.

Tôi sinh ra tại một vùng nông thôn có địa hình tương tự Mộc Châu, nơi người dân trong vùng chủ yếu làm nông (tuy nhiên bố mẹ tôi lại là nghệ nhân chuyên chế tác và phục chế tượng Phật), nên từ lâu tôi rất ưa thích nghề trồng trọt. Tôi theo học kiến trúc chỉ vì bố tôi muốn thế, đó không phải là đam mê thật sự của tôi. Trước đó, tôi thường hay đọc sách về các nước Đông Nam Á, trong đó có sách lịch sử về Việt Nam. Vì thế, tôi đã từng sang Việt Nam để được tận thấy...” - anh Nahana nhớ lại.

Trang trại rộng 8.500 mét vuông ở bản Búa của Nahana thật ra không chỉ trồng mỗi dâu tây. Mé trái vườn, Nahana thậm chí còn bất ngờ nhổ lên một cây củ cải đỏ to bằng bắp tay nam giới, loại củ cải thường để ăn kèm với món sashimi. Nhưng chiếm diện tích chính vẫn là những luống dâu tây chạy thẳng hàng, trông xa hơi giống những luống khoai lang nhưng đẫy đà hơn. Lại gần mới thấy những trái dâu xanh non hay chín hồng lấp ló, thập thò sau lá. Đất Mộc Châu vàng nâu dường như trồng cây nào cũng tốt, từ cải, đào, hồng, mận... đến dâu tây. “Ở đây ngày nóng đêm mát, ngày để cây sinh trưởng, đêm để quả tích ngọt... - rất thích hợp với giống dâu tây Nhật” - Nahana gật gù.

Khí hậu thổ nhưỡng là một phần, phần quan trọng không kém là giống. Dâu tây Nhật Bản ngoài ngoại hình bắt mắt hơn (to và mọng hơn) còn có vị ngọt và mùi thơm hơn đứt giống dâu tây Đà Lạt hay Trung Quốc. Mùa thu hoạch dâu tây Nhật trên đất Mộc Châu thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, tùy thời tiết, nhưng rộ nhất là cữ ra giêng. 3.000 mét vuông, trồng được 10.000 cây dâu, nhưng lúc rộ mùa cũng chỉ thu được chừng 10-20kg/ngày, vãn vụ thì chỉ còn được từ 5-7kg, mỗi cây trung bình thu được từ 300-500 gram/ ngày, cây năng suất nhất thì có thể thu được 700 gram/ngày; lại cũng có cây có ngày thu được nhõn một quả. Cả vụ mùa năm ngoái thu được chừng 80-100kg, không biết bao giờ mới có đủ để phân phối rộng rãi nên cũng chẳng đặt nặng mục đích kinh doanh hay giấu nghề, độc quyền giống. Chính vì thế mà giờ đây giống dâu tây Nhật đã được nhân giống và trồng rộng khắp các trang trại trên cao nguyên Mộc Châu.

Vì sao Dâu tây Nhật có tên gọi Hana?

Giống dâu tây có tên tiếng Nhật hơi dài dòng và khó phát âm (Tochiotome) nên người ta đã đổi lại thành "Hana" nghe rất ngắn gọn và dễ thương. Hana được bắt nguồn từ tên của anh là Nahana Shojiro coi như là cách để người dân Việt Nam ghi nhớ về nguồn gốc của quả dâu tây và biết ơn anh đã mang đến nơi đây một loại quả tuyệt vời thơm ngon, giàu dinh dưỡng.

Những trang trại dâu tây Mộc Châu được lòng du khách

Giống dâu tây Hana dần dần được người tiêu dùng tiếp nhận bởi trồng trên đất Mộc Châu. Với khí hậu ngày nắng, đêm lạnh. Khiến cho trái dâu tây Nhật ngọt hơn hẳn, so với giống dâu tây Đà Lạt hay Hàn Quốc. Vị ngọt đậm của giống dâu tây Nhật Tochiotome, rất phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Việt.

Trung bình một cây dâu tây sống được 6 năm nhưng để cây cho quả ngọt và sai thì tốt nhất là nên trồng mới hằng năm. Trồng dâu tây vì thể cũng có thể xếp vào nghề “ăn đứng” vì ngay cả lúc đương mùa thu hoạch cũng đã phải song song ươm giống để đảo cây, gối vụ...

Loại quả mang lại sự may mắn

Chăm ruộng dâu tưởng đơn giản, nhưng để khiến được giống cây ngoại ra được trái ngon, trái sai trên đất lạ, thì chẳng dễ xơi một chút nào! Ruộng dâu tây lấy giống từ trang trại của Nahana mà sau đó chúng tôi kéo qua xem là một ví dụ: Cùng một giống dâu, cùng trên một thứ đất, một khí hậu, mà qua mỗi tay người trồng mỗi khác, bé và chua hơn hẳn, mùi cũng không thơm bằng.

“Người Nhật nhiều khi kỹ quá mức cần thiết, là tôi cứ nghĩ vậy. Nhưng thật ra, họ kỹ là có lý của họ, từ khâu quản lý nước đến phân bón, từ lúc cây giống đến lúc đậu quả, cần phải điều tiết mọi thứ nhịp nhàng ra sao thì mới chiều nổi cái giống cây khó tính này. Với người Nhật, đó không còn là kỹ thuật mà là cả một nghệ thuật, dù Nahana chỉ mới học qua một khóa ngắn hạn về trồng trọt...” - chị Huyền - trợ lý của ông chủ trang trại - nói.

Chị này kể ra cũng là một ca lạ, khi tự dưng có duyên với cây dâu tây Nhật. Dân Mộc Châu, đi xuất khẩu lao động 4 năm ở Nhật về, không biết làm gì bèn ra chợ huyện mở một quầy tạp hóa. Một ngày nọ, ông Otsuka qua hỏi mua một lưỡi cuốc gì đó, tình cờ biết chuyện chị từng ở Nhật, có thể nói tiếng Nhật, bèn rủ về làm trang trại cùng ông. Tới lúc ông Otsuka mang cây dâu tây Nhật qua Lào, chị lại tiếp tục làm cùng Nahana, suốt từ đó đến nay, “chạy trời không khỏi... Nhật”.

Sinh năm 1979, nhưng đến nay Nahana vẫn một mình một bóng. Hỏi vì sao muộn vợ, anh chỉ tay lên trời, cười duyên và tình không thể tả, đáp lời bằng một câu tiếng Việt hiếm hoi: “Ồ, cái đó thì phải hỏi ông trời!”. Hỏi Nahana muốn lấy vợ Việt không, thì... cười trừ. Gã trồng dâu điển trai bảo, nếu như cái hay của người Nhật là sự tỉ mỉ thì ở người Việt Nam là sự cởi mở. Đời sống ở Mộc Châu dễ chịu không chỉ với cây dâu tây Nhật mà với cả chính người trồng ra nó, vì “hễ tôi có việc gì đó cần giúp đỡ thì những người hàng xóm luôn sẵn lòng chạy sang”.

“Nông thôn Nhật gần như đã “chết” vì chỉ toàn người già. Người trẻ kéo lên thành phố hết cả rồi. Nhưng ở Mộc Châu, tôi vẫn thấy còn rất nhiều người trẻ, chăm chỉ làm lụng, yêu thương gia đình, người với người gần gũi nhau hơn chứ không lỏng lẻo như ở Nhật...” - Nahana giải thích lý do vì sao anh lại chọn sống ở Mộc Châu mà không phải tỉnh Ibaraki quê anh. Ở Việt Nam 5 năm mà ngoài Mộc Châu ra, anh chỉ mới đến Đà Lạt: “Tôi chỉ quan tâm những nơi nào trồng được dâu tây mà thôi...”.

Top 9 vườn dâu tây Mộc Châu được lòng du khách – Vivu Mộc Châu

Ở Nhật Bản, dâu tây là loại quả rất được ưa chuộng mỗi dịp Giáng sinh và đó cũng là thời điểm rộ mùa, vì nó gợi nhớ đến ông già Noel và tượng trưng cho sự may mắn. Nhưng ở Mộc Châu, mùa thu hoạch dâu tây lại không nhằm Noel mà trùng với mùa đào, mận ra hoa kết trái - mùa đẹp nhất trong năm ở Tây Bắc. Dù vậy, Nahana vẫn luôn coi cây dâu tây mà anh trồng ở Mộc Châu là một sứ giả mang tới sự may mắn. Vì nhờ nó, anh mới được tận hưởng niềm hạnh phúc của một người sống chậm, sáng ra hít thở bầu không khí trong lành, nhiều khi có sương mù, rồi mặt trời dần ló rạng, và những vòm hoa đào chầm chậm hiện ra...

Thuỷ Lê - laodong.vn


(*) Xem thêm

Bình luận