Ấn Độ: ‘Bão COVID-19’ đẩy hàng chục triệu người vào cảnh nghèo đói và nhiều trẻ em trở thành mồ côi

04/09/2021 | 368

Ấn Độ vốn là đất nước có tỷ lệ nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, nay dưới sự càn quét và tàn phá dữ dội của làn sóng covid-19 lần 2 thì thảm cảnh đói nghèo đang lan rộng ra và hằn sâu hơn vào những người khốn khổ ở quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới này.

Đại dịch khiến thất nghiệp tăng, các khoản thu nhập của người lao động, tiết kiệm hộ gia đình suy giảm. Hàng chục triệu người vì thế rơi vào tình cảnh nghèo đói.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 8/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Sau khi phải dùng đến khoản tích cóp để trang trải cuộc sống thời đóng cửa trong làn sóng thứ nhất hồi tháng 3 năm ngoái, Manoj Kumar sau đó lại phải chấp nhận mất khoản thu nhập 8 USD/ngày từ một công việc xây dựng ở khu du lịch Goa.

Tháng trước, Kumar trở về quê nhà để dự đám cưới, sau hành trình di chuyển lên tới gần 2.400 km. Giờ đây, anh vẫn ở nhà, bị kẹt lại tại một trong những bang kém phát triển nhất của Ấn Độ, trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang phải hứng chịu làn sóng tấn công khốc liệt của đại dịch COVID-19. Trong một ngày gọi là may mắn, Kumar sẽ được thuê mướn với mức thù lao hơn 4 USD. Nhưng những công việc như vậy cũng chẳng còn nhiều. Anh giờ đây phải vay mượn để nuôi sống vợ và ba người con.

“Mọi thứ giờ phụ thuộc vào bàn tay của Chúa. Tôi chẳng biết khi nào mới quay trở lại. Gia đình cũng lo lắng và không muốn tôi quay lại chỗ làm cũ, bởi ở Goa hiện cũng đang bùng nổ số ca nhiễm COVID-19 mới”, Kumar chia sẻ. Ở tuổi 40, Kumar chỉ là một trong hàng triệu lao động nhập cư, lực lượng góp phần tạo ra một khu vực kinh tế ngầm ở Ấn Độ.

“Kinh tế ngầm” chiếm khoảng 50% trong tổng GDP trị giá 2.900 tỉ USD dựa nhiều vào tiêu dùng của Ấn Độ. Đại dịch kéo dài đang làm giảm thu nhập của người lao động, bào mòn số tiền tích lũy ít ỏi của những người như Kumar, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á.

Theo ước tính của chính phủ, GDP của Ấn Độ giảm 8% trong tài khóa 2020 kết thúc vào tháng 3 vừa qua, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1952. Nhiều nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong tài khóa 2021, do thất nghiệp tăng, tiết kiệm trong dân chúng sụt giảm, làm mờ đi triển vọng tăng trưởng hai con số mà nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo hồi đầu năm.

Shaun Roache, kinh tế gia trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại hãng tư vấn S&P Global Ratings, đã điều chỉnh tăng trưởng của Ấn Độ, từ mức 11% trước đó xuống còn 9,8%, với lý do đại dịch chắc chắn sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế.

Chú thích ảnh
Hành khách xếp hàng trong năng nóng tại một chốt kiểm soát gần nhà ga Pune  ở bang Maharashtra. Ảnh: Bloomberg

Những quy định hạn chế đi lại đã được áp dụng tại nhiều khu vực, trung tâm kinh tế lớn nhất ở Ấn Độ, nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh. Đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất chính là người lao động nghèo khổ, đúng như tình cảnh trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi đầu năm ngoái. Chưa kịp phục hồi thu nhập sau đợt đóng cửa tháng 3/2020, số này lại phải chịu thêm sức ép từ các biện pháp giãn cách rốt ráo và bất ngờ. Hàng đoàn lao động nhập cư đã lũ lượt rời khỏi các thành phố lớn như Mumbai và New Delhi, vượt quãng đường cả nghìn cây số để trở về nhà.

Những người như Kumar thường làm việc thuê mướn mà không có hợp đồng, chỉ nhận thù lao. Theo Giáo sư kinh tế Jeemol Unnin tại Đại học Ahmedabad, cái gọi là nền kinh tế ngầm ở Ấn Độ hàng năm thu hút khoảng 411 triệu lao động. Phần đông trong số này làm việc trong ngành nông nghiệp với mức thu nhập thấp, nhưng cũng có đến 56 triệu người làm trong ngành xây dựng.

Sau khi chi trả cuộc sống hàng ngày, họ gần như không còn đủ tiền để chi cho bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe. Họ sẽ phải đối mặt với tình cảnh hiểm nguy khi dịch bệnh đang tấn công Ấn Độ ở quy mô chưa từng thấy, làm hàng trăm nghìn người chết, bệnh viện quá tải…

Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng tiết kiệm hộ gia đình bào mòn cùng với thu nhập suy giảm sẽ có ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa, lĩnh vực chiếm đến 60% GDP tại Ấn Độ. Khảo sát mới đây cho thấy, tiết kiệm hộ gia đình đã giảm xuống còn 22,1% GDP trong quý 4/2020, so với mức 28,1% trong quý 2/2020. Còn theo dữ liệu việc làm được công bố trong tháng 4 vừa qua, tỉ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ đã lên mức 8% so với mức 6,5% của tháng 3.

Những bất ổn kinh tế từ năm ngoái đến nay đã khoét sâu thêm hố ngăn cách thu nhập trong xã hội Ấn Độ. Nghiên cứu do Trung tâm Pew tiến hành cho thấy có khoảng 75 triệu người tại quốc gia Nam Á này rơi vào đói nghèo (với mức thu nhập dưới 2USD/ngày) kể từ khi đại dịch bùng phát.

Làn sóng lây nhiễm thứ 2 dự kiến còn gây nhiều thiệt hại nữa. Bức tranh còn đáng báo động hơn nếu xét theo một nghiên cứu khác của Đại học Azim Premji ở Bangalore: Khoảng 230 triệu người Ấn Độ đã bị trượt xuống ngưỡng thu nhập dưới 5 USD/ngày, cũng do tác động của COVID-19.

Covid-19 cũng đã đang đẩy hàng nghìn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa.

Cha mẹ chết sau thảm họa đại dịch, những đứa trẻ bỗng mất nơi nương tựa, sốc và có nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán trẻ em và tảo hôn.

Trong một ngôi nhà nhỏ sơn đầy màu ở bờ biển phía đông, G. Sonali Reddy có nhiệm vụ nấu nướng rồi cho các em ăn, đêm đến dỗ em ngủ. Cô bé 14 tuổi hy vọng sự chăm chút của mình có thể xoa dịu nỗi sợ hãi của các em, giống như mẹ vẫn làm.

Cách đây vài năm, cha Sonali tự tử sau thất bại trong kinh doanh. Tháng 5 năm nay, Sabita, mẹ em nằm trong số hàng nghìn người Ấn Độ bị Covid-19 quật ngã. Vài giờ sau khi được đưa đến bệnh viện thành phố gần nhất, người mẹ đã chết. "Mẹ như chiếc ô, giữ các con khỏi nắng nóng và mưa lạnh. Em tưởng tượng mẹ đang ở cạnh mình để bước tiếp", cô bé sống ở bang Odisha, nói.

Sonali và các em nằm trong số hơn 3.000 trẻ em Ấn Độ mồ côi do đại dịch Covid-19. Các bang của Ấn Độ đã công bố trợ cấp khoảng 7 USD - 68 USD (160 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng) mỗi tháng cho mỗi trẻ mồ côi, cùng với lời hứa về thực phẩm và giáo dục miễn phí. Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố trên Twitter rằng sẽ "đảm bảo cuộc sống có phẩm giá và cơ hội" cho trẻ em.

Sonali giúp các em tập đọc, tập viết. Ảnh: Newyorktimes.

Sonali giúp các em tập đọc, tập viết. Ảnh: Newyorktimes.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại sự chú ý của xã hội với những đứa trẻ mồ côi sẽ dần mất đi. Chúng rất dễ bị bỏ rơi và bóc lột.

Nhiều trẻ nhỏ gặp khó khăn trong việc xin giấy chứng tử để đủ điều kiện nhận trợ cấp từ chính phủ. Một số khác khó trở lại trường học.

Về lâu dài, trẻ mồ côi ở các gia đình nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa phải đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán và tảo hôn. Nạn buôn bán trẻ em tràn lan ở Ấn Độ. Theo UNICEF, đây cũng là quốc gia có số lượng cô dâu trẻ em lớn nhất thế giới.

Tại quốc gia này, có nhiều điều cấm kỵ trong văn hóa khiến người dân không muốn nhận trẻ mồ côi làm con nuôi. Hơn nữa, những đứa trẻ lớn thường khó trở thành ưu tiên chọn lựa của các gia đình muốn nhận con nuôi.

Medha Pande, một sinh viên luật tại Đại học Delhi, người đã viết về các vấn đề pháp lý xã hội phát sinh từ đại dịch, cho biết: "Chính phủ đang cố gắng cứu vãn bộ mặt của mình khi thảm kịch Covid -19 tàn phá Ấn Độ. Nhưng họ chỉ đang tạo ra một nhóm nhỏ từ một nhóm lớn những đứa trẻ bị tổn thương rồi nói có thể chăm sóc chúng dễ dàng".

Một buổi sáng gần đây, quan chức ở làng Pattapur, thuộc bang Odisha, đã đến nhà của Sonali. Họ xách bao gạo lớn, đưa tiền "trợ cấp mồ côi" cho những đứa trẻ để sống qua mùa hè. Tài khoản ngân hàng được mở bằng tên của chị em Sonali.

Mắt tròn xoe, cô bé chăm chú lắng nghe khi họ lục tung danh sách hướng dẫn sử dụng tài khoản ngân hàng. Các em của em - Jagabalia, 8 tuổi và Bhabana, 5 tuổi - bơ phờ, nắm chặt lấy chiếc váy màu xanh của chị.

Kể cả lúc mẹ chưa qua đời, gia đình Sonali vẫn chật vật. Người phụ nữ góa chồng mở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh nhỏ trước nhà. Chị dành số tiền ít ỏi có được để lo cho việc học của con.

Khi cha đã mất, Sonali đặc biệt gần gũi với mẹ. "Các em đòi đi tìm mẹ. Khi cha chết, em nghĩ ít nhất còn được nhìn thấy thi thể. Còn bây giờ, virus đã cướp tất cả", cô bé nói trong khi mân mê ngón tay cái.

G. Sathwik Reddy hoàn thành bài tập ở trường tại nhà - nơi cậu ở cùng em gái và ông bà. Ảnh: Newyorktimes.

G. Sathwik Reddy hoàn thành bài tập ở trường tại nhà - nơi cậu ở cùng em gái và ông bà. Ảnh: Newyorktimes.

Cách Sonali hàng trăm dặm, ở Hyderabad, Sathwik Reddy, 13 tuổi, cũng nghe được những yêu cầu tương tự từ em gái 3 tuổi của mình. Lúc đó, Sathwik chỉ biết đáp: "Mai bố mẹ sẽ về".

Cha của cậu, Gopal, có một doanh nghiệp nhỏ làm hàng rào sắt cho trang trại. Giống như hàng triệu gia đình trung lưu Ấn Độ, họ tiết kiệm hết mức có thể để con đến trường. Hồi tháng 4, bố mẹ và bà nội cậu bé nhiễm virus, chỉ cách nhau vài ngày. Đầu tháng 5, cả ba người đều chết. Tại nhà hỏa táng, Sathwik thấy mặt cha mình trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, từ phía sau một tấm nhựa. Cậu bé tê liệt vì sốc. Bây giờ, Sathwik chỉ dám khóc khi ngủ một mình. "Cháu phải mạnh mẽ vì em gái", cậu bé nói.

Ở vùng đồng bằng đầy bụi ở phía bắc Ấn Độ, Shawez Saifi, 18 tuổi, cũng rơi nước mắt mỗi đêm khi em gái giật mình tỉnh giấc, hét lên tìm mẹ. Cha cậu bị ốm hôm tháng 4 và được đưa đến một bác sĩ địa phương. Với số tiền ít ỏi khi đang đi làm trên công trường, đôi vợ chồng chọn cách về nhà ở Murad Nagar, tự tĩnh dưỡng.

Những đứa trẻ ngủ ngoài hiên, trong khi bố mẹ chúng nhốt mình trong nhà. Khi bệnh tình đôi vợ chồng nghiêm trọng hơn, họ chuyển đến nhà họ hàng. Vài ngày sau, mẹ Shawez chết, rồi đến lượt cha cậu.

Shawez về nhưng chủ nhà nói sẽ chỉ mở cửa nếu chịu trả tiền thuê. Chú của Shawez phải vay tiền trả đỡ nợ để anh em cậu có thể về thu dọn đồ đạc.

Em gái của Shawez, Kahkashan, 9 tuổi, bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau biến cố cha mẹ qua đời. Gần như ngày nào cô bé cũng nhấc máy gọi mẹ, nói chuyện như ở đầu dây bên kia có người. "Mẹ, khi nào thì mẹ đến? Con nhớ mẹ", cô bé độc thoại.

"Ước mơ duy nhất của tôi là có thể nuôi dạy các em. Mẹ tôi thường gọi cho tôi khi đang đi làm và hỏi: 'Con trai, trời sắp tối rồi, con sắp về chưa?' Giờ thì không ai gọi cho tôi nữa", chàng trai nói.

Trong bản tuyên thệ trình lên Tòa án Tối cao Ấn Độ ngày 1/6, Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Quyền Trẻ em (NCPCR) đề xuất kế hoạch 6 bước nhằm giám sát phúc lợi cho trẻ mồ côi do Covid-19.

Gần 10.000 trẻ em Ấn Độ mồ côi, bị bỏ rơi vì Covid-19 - 1
Theo NCPCR, thống kê cho thấy, 9.346 trẻ em ở nước này đã mất cha mẹ hoặc bị bỏ rơi do đại dịch Covid-19 kể từ tháng 3/2020. Trong đó, 1.742 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 7.464 trẻ em còn cha hoặc mẹ, 140 trẻ em đã bị bỏ rơi kể từ tháng 3/2020 đến ngày 29/5/2021.

Cha của cậu bé Pratham (5 tuổi) và em trai Ayush (10 tháng tuổi) qua đời vì Covid-19 hồi tháng 4. Nhiều ngày sau, tại một bệnh viện khác ở Delhi, Covid-19 tiếp tục cướp đi sinh mạng người mẹ. Bỗng chốc, thế giới của các em thay đổi 180 độ, đến nỗi chính các em cũng chưa thể hiểu được nỗi đau đó như thế nào. Người thân nói với cậu bé Pratham rằng cha mẹ em đã đi làm. Nhưng Pratham vẫn không ngừng hỏi mỗi ngày, và tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Người thân đã quyết định liên lạc với một tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại thủ đô New Delhi chuyên chăm sóc trẻ mồ côi. Tổ chức phi chính phủ này nói họ hy vọng ai đó sẽ nhận nuôi cả hai anh em Pratham.

Cha của Sonia, 12 tuổi và em trai Amit, 7 tuổi, cũng qua đời trong đợt đại dịch đầu tiên vào tháng 6/2020, trong khi người mẹ mới qua đời trong đợt dịch hồi tháng 4 vừa qua. Bà nội đang chăm sóc các em và thật sự lo lắng cho tương lai 2 cháu. Tuy nhiên, bà không muốn nghĩ đến việc cho các em làm con nuôi dù có nhiều người đến xin nhận nuôi.

Lo ngại nạn buôn bán trẻ em

Một thực trạng hiện nay tại Ấn Độ là trên các mạng xã hội tràn ngập những lời kêu gọi nhận nuôi những trẻ em mồ côi vì Covid-19. Nhưng việc chia sẻ công khai số điện thoại và hình ảnh của các em như vậy làm dấy lên lo ngại về nạn buôn người. Ông Kundu cảnh báo về nguy cơ các mạng xã hội sẽ bị biến thành dịch vụ "giống như Amazon", nơi mọi người có thể chọn trẻ em làm con nuôi.

Ông Kundu cho biết, nhóm của ông phát hiện một trang Facebook rao là "chuyên cung cấp trẻ em làm con nuôi". "Một nhân viên của tôi đã gọi đến số điện thoại đăng trên trang Facebook và họ báo giá 7.000 USD cho một đứa trẻ. Chúng tôi đã báo cảnh sát", ông nói.

Ở Ấn Độ còn có những lo ngại trẻ em có thể bị bóc lột làm lao động chân tay rẻ mạt hoặc thậm chí là mại dâm. Sonal Kapoor, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Protsahan có trụ sở tại New Delhi, cho biết tổ chức của bà đã gặp phải những trường hợp cha hoặc mẹ đã qua đời và người còn lại, thường là cha, buộc những đứa trẻ phải làm công việc lao động chân tay. Theo bà, chính nó tạo ra nhu cầu thị trường đáng lo ngại là những kẻ tuyển dụng đi tìm những trẻ mồ côi cha hoặc mẹ.

Hiện nay, chính quyền các bang ở Ấn Độ đã bắt đầu tăng cường nỗ lực chăm sóc những trẻ mồ côi do đại dịch. Nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải hành động nhiều hơn nữa.

Đọc thấy những dòng tin này tôi thực sự buồn lòng và không khỏi xót xa. Có lẽ không chỉ ở Ấn Độ mà còn nhiều nơi khác nhau trên khắp trái đất này cũng đang tồn tại những cảnh tượng đau lòng tương tự. Dịch bệnh quá kinh khủng, nó dồn con người ta vào đường cùng, và những người vốn yếu thế trong xã hội càng dễ bị tổn thương trầm trọng hơn, rơi vào đáy tận cùng của khổ đau. Biết làm gì ngoài nguyện cầu đây?! Cầu mong đại dịch sớm qua mau, nhân loại sớm bình yên trở lại.

Thắm Lê tổng hợp (nguồn: baotintuc.vn, vnexpress.net & dantri.com.vn)


(*) Xem thêm

Bình luận