Công đức phóng sinh vô lượng vô biên
Phóng sinh có thể nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Trong khi thực hiện việc phóng sinh, chúng ta nhân đó có thể thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tánh Phật, đều có thể thành Phật.
*Phóng sinh là gì?
Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống.
Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Chư dư tội trung sát nghiệp tối trọng, chư công đức trung phóng sanh đệ nhất”. “Trong tất cả các tội ác, tội sát sanh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, phóng sinh là công đức lớn nhất”.
Tại sao phải phóng sinh? Nói một cách đơn giản, phóng sinh tức là trả nợ, trả món nợ sát sinh mà chúng ta đã tạo sát nghiệp nặng nề từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay.
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu ác nghiệp này có hình tướng thì cho đến cùng tận hư không cũng không dung chứa hết”. Chúng ta ngay trong kiếp này tạo nghiệp giết hại chúng sinh quả thật đã không thể tính đếm được, huống chi là đã tạo trong nhiều đời nhiều kiếp!
Xét lại tự thân mình toàn thân đều là sát nghiệp, đã tạo biết bao nghiệp giết hại, chẳng tránh khỏi phải khủng hoảng, xấu hổ, thật không đất dung chứa! Sao có thể không tự mình kịp thời sám hối, cố gắng phóng sinh, hầu mong đền trả nợ nần trong muôn một! Việc phóng sinh có thể trưởng dưỡng tấm lòng từ bi của mình. Nên khởi lòng bi mẫn phóng sanh, xem sinh mạng của loài vật như sinh mạng của chính mình. Được vậy thì sẽ chẳng cuồng vọng, điên đảo nữa; sẽ chẳng tạo nghiệp giết hại nữa; sẽ chẳng thiếu món nợ sát sanh nữa; sẽ chẳng phải luân hồi thọ báo nữa.
Kinh Dược Sư Lưu Ly Bổn Nguyện Công Đức dạy rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn. Người phóng sanh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn”.
*Phóng sinh có những công đức gì?
Công đức phóng sinh rộng lớn vô biên, không thể tính đếm. Nay xin nói đại lược như sau:
1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát.
2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh tật.
3. Tránh được thiên tai, dịch họa, không gặp các tai nạn.
4. Con cháu đông đúc, đời đời xương thạnh, nối dõi không ngừng.
5. Chỗ mong cầu được toại nguyện.
6. Hợp lòng trời, thuận tánh Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ.
7. Giải trừ oán hận, các điều ác tiêu diệt, không lo buồn, sầu não.
8. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn.
9. Tái sanh về cõi trời, hưởng phước vô cùng. Nếu có tu Tịnh độ thì được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện dạy rằng: “Chúng sinh thương yêu nhất là thân mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sanh. Cứu được thân mạng chúng sanh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật”.
*Sau khi phóng sinh, tự mình có những thay đổi gì?
Phóng sinh có thể nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Trong khi thực hiện việc phóng sinh, chúng ta nhân đó có thể thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tánh Phật, đều có thể thành Phật. Nhờ đó, chúng ta có thể khởi tâm từ bi với hết thảy chúng sinh, lại còn tôn trọng trân quý.
Tiến thêm một bước nữa, trong cuộc sống hằng ngày có thể thực hiện việc giới sát, ăn chay, cứu giúp sinh mạng muôn loài; các điều ác không làm, các điều thiện cố gắng làm; khởi tâm từ bi đối với tất cả muôn loài trên thế gian.
Nên biết rằng, tâm Phật là từ bi. Khi chúng ta trưởng dưỡng lòng từ bi thì tâm ta với tâm Phật hợp nhau, chư Phật hoan hỷ thì tự nhiên dễ có sự cảm ứng đạo giao, việc học Phật tự nhiên dễ dàng thành tựu.
Tuy nhiên để việc phóng sinh hợp đạo, hợp đời, có ý nghĩa chúng ta nên lưu ý:
Thứ nhất để việc phóng sinh hợp với đạo thì người Phật tử khi phóng sinh cần có cái tâm, phải vô tư, tự nhiên. Việc phóng sinh phải giúp con vật được sống một cách tự do.
Thứ hai việc phóng sinh đó phải hợp với văn hóa và không gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái thì việc phóng sinh ấy mới có ý nghĩa.
Để việc phóng sinh thực sự đúng với ý nghĩa của Phật giáo, chúng ta nên thực hiện nó một cách tự nhiên, xuất phát từ tâm của mỗi người. Nếu chúng ta đi đặt, thuê hoặc công khai thông tin sẽ phóng sinh ở đâu thì hành động phóng sinh đó sẽ mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Thậm chí nếu phóng sinh không đúng vô hình chung sẽ trở thành sát sinh.
*Cách thức phóng sinh:
- Không đặt nặng về hình thức.
Không ít lần chúng ta thấy được hình ảnh một số Phật tử mua chim, cá để phóng sinh. Nhưng họ không thả liền mà đem vô chùa chờ quý thầy làm lễ chú nguyện rồi mới thả. Có đôi khi quý thầy bận việc không làm lễ liền thì nhốt trong lồng, đợi đến khi làm lễ thì mới thả. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo. Nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ, không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm. Bởi chúng có thể mất mạng trước khi được ta phóng thích.
- Không đặt nặng về số lượng.
Chúng ta phải biết rằng, phóng sinh xuất phát từ lòng từ bi, thương xót cho những con vật gặp nạn hoặc nhìn thấy một hay nhiều con vật sắp bị giết, mình ra tay cứu thoát, mua lại để cứu sống chúng. Công đức phóng sinh không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít mà phụ thuộc vào tấm lòng từ bi của chúng ta. Nếu một người phóng sinh rất nhiều cá theo phong trào nhưng lại không mảy may thương xót cho những con vật đó thì việc phóng sinh cũng chẳng có ý nghĩa gì. Ngược lại, nếu một người có thể rủ lòng thương xót cho những con vật tội nghiệp phải đối mặt với khốn khổ hay cái chết gần kề, đó mới là tâm phóng sinh của những người con Phật.
- Không cần thiết xem ngày tháng phóng sinh.
Có nhiều người vì mê tín nên phải xem ngày tốt hoặc chờ đến những ngày lễ lớn mới phóng sinh để cho nhiều phước đức. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Thực tế, có rất nhiều kẻ xấu nắm được tâm lý của các Phật tử rằng những ngày tốt, ngày đẹp mới đi phóng sinh, họ lợi dụng điều này để bắt những loài vật trước, nhốt chúng lại và chờ bán. Điều này gây biết bao đau thương cho các con vật. Phóng sinh xuất phát từ lòng từ bi, lòng thương xót phải luôn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần thấy một hay nhiều con - không màng số lượng, bị nguy hại thì nhanh chóng cứu giúp, đó mới đúng là tâm từ bi.
- Tìm hiểu về môi trường sống của loài vật mà chúng ta định cứu giúp.
Mỗi loài vật sẽ có môi trường sống khác nhau nên ta phải tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định cứu giúp chúng. Không phải mua chim rồi thả tại chỗ là đúng. Đối với loài cá, tôm, rùa… cũng phải như vậy. Trước hết phải nghiên cứu tập quán sinh thái, nguồn gốc của chúng, rồi chọn thời điểm thích đáng để thả chúng ở những nơi an toàn thích hợp nhất. Nếu không khéo, chúng ta sẽ vô tình khiến cuộc sống mới của chúng khó khăn hơn và nhất là nguy hiểm đến tính mạng của chúng.
- Biết chọn địa điểm và thời điểm lý tưởng để phóng sinh.
Chúng ta có tâm từ bi nhưng không phải ai cũng vậy. Vì mưu cầu cuộc sống nên nhiều người lại nảy sinh lòng tham, bắt lại những con vật mà chúng ta đã phóng sinh để bán cho những người đến sau. Điều này khiến chúng ta vô tình tiếp tay cho kẻ xấu và tạo nên hình ảnh tiêu cực về việc phóng sinh. Người có tâm khi phóng sinh sẽ biết chọn địa điểm, không cần thiết phải theo đám đông. Có thể chọn phóng sinh ở nơi vắng vẻ, môi trường phù hợp với con vật mình định cứu giúp để tránh những ánh mắt dòm ngó của những người kiếm tiền từ việc bắt lại những con vật đáng thương ấy.
Kinh Chánh pháp niệm có dạy: “Tạo một ngôi chùa chẳng bằng cứu một sinh mạng”. Phóng sinh có thể nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Trong khi thực hiện việc phóng sinh, chúng ta nhân đó có thể thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác. Tuy nhiên, làm bất cứ việc gì cũng nên đặt cái tâm và sự hiểu biết vào đó chứ không nên làm theo phong trào. Phóng sinh đúng cách là điều cần quan tâm để chúng ta thực hiện trọn vẹn lòng từ bi của mình, để nhận được công đức trọn vẹn, giúp chúng sinh có cuộc sống bình an.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Phóng sinh
Thắm Lê tổng hợp (nguồn: phatgiao.org.vn & giacngo.vn)
Xem thêm