Trên đời này không có ai là vô dụng cả
Nhà bác học Anhxtanh từng nói rằng: "Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời mà tin rằng nó thật sự thấp kém". Những câu chuyện sau sẽ minh chứng cho câu nói trên và khẳng định rằng "Trên thế gian này không ai là vô dụng cả, vấn đề là họ chưa ở đúng vị trí mà thôi".
Câu chuyện thứ nhất:
Có một chàng trai, không thi vào đại học, cha mẹ đã tìm một người vợ cưới về cho anh. Sau khi kết hôn, anh dạy học tại một trường tiểu học trong làng. Vì không có kinh nghiệm, nên chưa đầy một tuần anh đã bị học sinh tẩy chay, khiến anh bị sa thải. Trở về nhà, người vợ khẽ khàng lau nước mắt cho anh, an ủi nói: “Những việc không vừa ý mình thì có đầy ra đó, có người trút ra được, cũng có người trút không được, anh không cần phải thương tâm như vậy, cũng sẽ có nhiều việc thích hợp hơn đang chờ anh kia mà”.
Về sau, anh ra ngoài làm công cho người ta, lại bị ông chủ đuổi về nhà vì anh làm việc quá chậm. Lúc đó, vợ nói với anh: “Động tác luôn có nhanh có chậm, người ta đã làm việc nhiều năm như vậy, còn anh thì chỉ là học sinh đọc sách, sao có thể nhanh như họ được?”.
Ảnh minh hoạ từ internet.
Anh lại trải qua rất nhiều công việc, nhưng cũng vẫn thế, phần lớn là bỏ dở nửa chừng. Thế nhưng, mỗi lần anh chán nản thất vọng trở về, người vợ lại luôn luôn an ủi anh, chưa bao giờ than trách một câu.
Lúc hơn 30 tuổi, anh nhờ vào khả năng thiên phú về ngôn ngữ, làm trợ giảng tại trường khuyết tật. Về sau, anh xây dựng được một trường khuyết tật khác. Sau đó, tại rất nhiều thành phố, anh lại xây dựng được rất nhiều phân hiệu khác. Từ đó, anh đã là ông chủ có ngàn vạn tài sản rồi.
Một ngày, công thành danh toại, anh hỏi vợ rằng: “Mỗi lúc anh cảm thấy tiền đồ vô vọng, điều gì đã khiến em lúc nào cũng có lòng tin với anh như vậy?”
Cô trả lời mộc mạc, đơn giản:
“Một mảnh đất, không hợp cho việc trồng lúa mạch, có thể trồng thử đậu; nếu đậu cũng không thích hợp, có thể thử trồng dưa leo; nếu cả dưa leo cũng không được… thì rải lên một ít kiều mạch nhất định cũng có thể nở hoa. Bởi vì một mảnh đất, luôn luôn có một hạt giống thích hợp với nó, cuối cùng cũng sẽ có thành quả thu hoạch trên mảnh đất đó thôi”.
Câu chuyện thứ 2:
Tại một khu rừng nọ, nhằm tìm ra những con vật tài giỏi để giao một số trọng trách, người ta tổ chức một kỳ thi với sự tham gia của các con vật tại đó, gồm: Quạ, Khỉ, Chim cánh cụt, Voi, Cá, Hải cẩu và Chó.
Khi cả bọn đông đủ, vị giám thị ra đề. “Để công bằng, tất cả phải làm chung một bài kiểm tra: Hãy leo lên cái cây kia!”.
Cuộc thi bắt đầu. Quạ thi đầu tiên và tạo được sự bất ngờ vì sự giỏi giang của mình, nó chọn con đường nhanh nhất là bay thẳng lên đỉnh cây.
Giám thị coi thi phán rằng: “Con rất giỏi và thông minh, chọn con đường nhanh nhất, không theo một trình tự nào và tới được đỉnh cây chỉ trong vài giây, con được 10 điểm.”
“Cảm ơn thầy, đó là điều hiển nhiên.” – Quạ đáp.
Đến phiên Khỉ thi, một sự khởi động nhẹ nhàng, Khỉ vặn mình để chuẩn bị trèo lên cây, chiếc cây cao nhưng khỉ vẫn mỉm cười và tự tin rằng chuyện này trong tầm tay mình vì ngày nào nó chả luyện trèo hết cây này, đến cây khác nhuyễn như cháo. Thật vậy, Khỉ chỉ cần chốc lát là leo lên tận đỉnh của cây và thầy giám thị vui vẻ chấm:
“Con làm tốt lắm, đi theo trình tự, theo đúng bài bản và đã leo lên được đỉnh cây nhưng con không có sự thông minh, con chỉ có ý chí và cần cù của con nên con cũng thành công. Ta cho 9 điểm.”
“Cảm ơn thầy, cần cù, chăm chỉ là một phần của thành công ạ.” – Khỉ đáp.
Đến phiên Chim cánh cụt thi, cảm thấy rụt rè và sợ hãi khi thấy cái cây quá to và cao, đang đứng rui rẩy thì Voi lên tiếng.
“Thưa, con xin phép cho con thi trước được không ạ?”
“Ta đồng ý.” – Giám thị trả lời.
Thế là Voi thay Chim cánh cụt thi trước và điều bất ngờ xảy ra khi voi húc liên tục cả thân hình đồ sộ của mình vào thân cây, khiến thân cây rung chuyển, chao đảo và rồi ngã bật gốc xuống.
Thầy giám thị tức tối liền quát to:
“Cậu làm cái quái gì thế? Định phá kỳ thi của ta sao?”
“Dạ, không ạ, đó chỉ là cách của con, mặc dù có tổn hại nhưng con vẫn hoàn thành bài thi.”
Voi ung dung đi từ gốc cây đến đỉnh cây. Và lần lượt từ Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó chỉ cần leo lên thân cây và đi từ gốc đến đỉnh cây 1 cách dễ dàng và về đích hoàn thành bài thi.
Nhưng riêng cá thì không thể, nó không thể nào ra khỏi bể để làm bài kiểm tra giống như các bạn mình, Quạ và Khỉ nhìn khinh khi, dè bỉu, giám thị cũng liên tục hối thúc không chút cảm thông.
Nó buồn lắm và tự trách mình thật tệ hại, kém cỏi so với người khác, một cảm giác bất tài, vô dụng choán tâm trí nó. Ý định nảy sinh trong đầu cá bây giờ là chết để được giải thoát, một kẻ bất tài thì chết cũng có gì đáng tiếc chứ.
Nhưng khi cá chưa kịp làm gì, bỗng nó thấy cả nhóm Voi, Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó cùng nhau đẩy cái cây xuống dòng sông gần đó, rồi nhanh chóng, bọn chúng đưa cá đến gần sông thả xuống nước và từ đó cá cũng bơi từ gốc lên đỉnh cây và hoàn thành bài kiểm tra một cách thuận lợi.
Hệ thống giáo dục của chúng ta cũng tựa như thế!
Nhân loại luôn cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng khi nhắc đến những bậc vĩ nhân như Albert Einstein, Alfred Nobel hay Leonardo da Vinci… hay Bill Gates, Steve Jobs…. Người ta gọi họ là “Thiên tài”, là “Vĩ nhân” và khao khát mình cũng có được trí tuệ, khả năng như vậy. Nhiều người cảm thấy mình thật bé nhỏ, tự ti khi tự đặt mình lên “bàn cân” với những người tài giỏi xung quanh như thế và mất hẳn niềm tin vào chính bản thân mình.
Những lúc đó mong bạn hãy nhớ đến câu chuyện này và câu nói của Albert Einstein: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng trèo cây của nó, nó sẽ sống cả đời mà tin rằng nó thật sự thấp kém.”
Hãy cứ cố gắng với những gì mình có, liên tục dùi mài, phát triển nó, không bằng đường này thì đường khác, chúng ta nhất định sẽ tìm được môi trường, điều kiện để thể hiện những khả năng của mình và chạm tới thành công.
Thắm Lê tổng hợp
Xem thêm