Giá trị của lòng trung thực
Wiliam Shakespeare từng nói: “Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực”. Vậy “trung thực” là gì? “Trung thực” là sự ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật và dám nhận lỗi khi mắc lỗi. Trong cuộc sống, lòng trung thực và đức tính chân thật luôn được đánh giá cao, người có phẩm chất này thường được yêu mến, tin tưởng, và giao phó cho những công việc quan trọng. Trung thực là tấm vé đi đến thành công chứ không phải bằng cấp.
Tuy nhiên cùng với sự biến đổi của lòng người trong xã hội, sự thành tín trung thực cũng dần dần bị mai một theo. Có những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng đôi khi phải đến cuối cuộc đời người ta mới có thể chiêm nghiệm thấy…
Thước đo của lòng trung thực
Có một người làm trong ngành xây dựng, vốn là một công nhân kỹ thuật chăm chỉ, thường được tham gia thi công và xây dựng các công trình quan trọng của công ty. Ông được các quản lý tin tưởng bởi lòng trung thực của mình, nhưng do trình độ bằng cấp hạn chế nên mãi vẫn quanh quẩn ở vị trí cũ.
Thói quen chân thật đó của ông được hình thành là vì chỉ có trung thực thì mới được quản lý giao cho công việc cần trách nhiệm cao. Mặc dù không giàu có nhưng cuộc sống với ông cũng khá ổn định và suôn sẻ. Tuy nhiên, ông vẫn luôn mơ ước xây dựng cho mình một căn nhà thật đẹp, dù ước mơ đó khó mà trở thành hiện thực với đồng lương kỹ thuật.
Thời gian qua đi, ông cũng đến tuổi về hưu. Vì đã trung thành với công ty trong suốt quãng thời gian dài, nên thủ tục về hưu của ông không có trở ngại gì, thậm chí ông còn nhận được một số ưu đãi khác. Vị giám đốc công ty cũng đã quen thuộc với người nhân viên tận tụy, và tỏ ra rất quan tâm đến ông. Điều đó khiến ông cảm thấy an ủi nhiều.
Trước khi thủ tục hoàn tất, ông nhận được một đề nghị có phần đặc biệt của giám đốc: “Anh đã hoàn thành công việc rất tốt, chúng tôi rất hài lòng. Nhưng tôi có một việc quan trọng, đó là nhờ anh giúp tôi quản lý việc xây dựng một căn nhà nhỏ. Nó rất quan trọng và tôi muốn anh giúp kịp làm căn nhà này trước khi anh về nghỉ hưu.” Mặc dù chưa bao giờ làm quản lý, nhưng vì đã có nhiều kinh nghiệm xây dựng nên ông vui vẻ nhận lời và bắt tay vào công việc.
Khi xây dựng xong phần móng nhà thì ông nhận được tin vui, thủ tục của ông đã được công ty hoàn tất, chỉ còn chờ đến ngày về hưu. Rồi ông bắt đầu nghĩ: “Cả đời trung thực rồi, giờ chẳng còn gì ràng buộc nữa, hay là bớt xén công trình một chút để dưỡng già?”. Ông cũng hiểu rằng công trình bớt xén thì chỉ năm bảy năm là xuống cấp, nhưng cái gánh nặng trách nhiệm giờ đã không còn, nên ông lại tự bao biện: “Lúc đó vật đổi sao dời rồi, ai biết được nữa, công trình mà xuống cấp thì có hàng ngàn lý do.”
Vậy là ông cố gắng khiến cho vẻ ngoài ngôi nhà được khang trang một chút, nhưng lại bớt xén nhiều nguyên vật liệu, từ đó mà kiếm được kha khá tiền. Giám đốc tỏ vẻ tin tưởng và hài lòng khi nhận bàn giao công trình, mà thậm chí còn chưa hề đến xem. Chỉ có điều khiến ông băn khoăn là, giám đốc bao nhiêu việc lại đích thân đến dự ngày khánh thành căn nhà nhỏ, mà lại còn nhất thiết yêu cầu ông tới dự nữa.
Ngày hôm đó, trước sự chứng kiến của các nhân viên công ty, giám đốc đã đứng lên nói: “Công ty xây dựng ngôi nhà này như một món quà, một lời tri ân dành cho một người đã góp sức hết mình cho sự phát triển của công ty”. Nói rồi, giám đốc cầm chìa khóa nhà trao cho vị trưởng phòng kỹ thuật đang đứng cạnh và bắt tay ông ta.
Vị trưởng phòng nhận chùm chìa khóa trong tiếng vỗ tay của mọi người. Ông ta tỏ vẻ vui mừng, giơ cao chiếc chìa khóa trước mặt các nhân viên. Sau đó, trưởng phòng tiến về phía người công nhân kỹ thuật già, vui vẻ nói: “Xin cảm ơn các bạn, và đặc biệt là, tôi nhất định phải cám ơn ông, người đã trung thành cả cuộc đời mình với công ty, cảm ơn vì đã phụ trách xây dựng một căn nhà đẹp…”
Ông lúng búng: “… Không có gì cả… Đó là điều nên làm mà…”
Đột ngột, ông trưởng phòng quay sang, dõng dạc nói: “Và chính xác là chùm chìa khóa thuộc về ông, người mà công ty muốn tri ân nhất, nó xứng đáng thuộc về ông! Đây là bất ngờ mà công ty dành tặng ông đó!”
Ông đứng lặng người trong tiếng vỗ tay ầm ầm… Cả đời trung thực… ấy vậy mà… phải đến bây giờ ông mới thấm thía…
Ở mọi ngành nghề trong xã hội ngày nay, người ta đều cảm thấy khó mà có thể trung thực. Khó ấy, là bởi vì không cưỡng lại được những cám dỗ; khó ấy, là bởi vì không thoát được khỏi cái guồng quay “làm ăn bây giờ là phải như vậy”; khó ấy, là bởi vì ai ai cũng ngầm thừa nhận và tặc lưỡi rằng “người tốt bây giờ ít lắm”; khó ấy, là bởi vì lợi ích thiết thân thật không dễ mà buông bỏ. Người vì sự nghiệp, kẻ vì nhan sắc, gần đất xa trời thì lại bận bịu với mối lo cuối đời, đều là vì thế mà không còn thành tín…
Nhưng, chân lý luôn là chân lý, chân lý luôn là bất biến. Lòng người biến đổi, còn đạo lý thì không. Lòng trung thực vẫn sẽ là một giá trị khiến người ta ngưỡng mộ và tìm kiếm.
Cũng vẫn là nói về lòng trung thực, xin kể thêm một câu chuyện ngắn nhưng ý nghĩa sâu sắc như sau:
Một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Oklahama, tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến vui chơi tại một câu lạc bộ. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi:
– Vé vào cửa là bao nhiêu? Bán cho tôi bốn vé.
Người bán vé trả lời:
– 3 đôla một vé. Chúng tôi đặc biệt miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi?
– Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ thì lên bốn – Bạn tôi trả lời – Như vậy tôi phải trả cho ông 9 đôla tất cả.
Người đàn ông ngước lên với cặp mắt ngạc nhiên:
– Sao ông không nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi? Như thế có phải là tiết kiệm được 3 đôla không?
Người bạn tôi nhìn người bán vé rồi chậm rãi nói:
– Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông cũng sẽ không nhận ra. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 đôla.
Trung thực là nền tảng căn bản tạo nên phẩm chất của một con người và là nhân tố cần có đầu tiên giúp ta an yên giữa cuộc đời nhiều biến động.
Sưu tầm
Xem thêm