Trường ĐH của tỉ phú Phạm Nhật Vượng thôi thúc sinh viên 'thay đổi thế giới'
VinUni là trường đại học tinh hoa (đẳng cấp thế giới - world class university) và tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam, với mức tổng đầu tư lên tới 6.500 tỷ đồng từ Tập đoàn Vingroup. Với khát vọng tạo ra sự đột phá trong chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam, vươn tầm đẳng cấp thế giới, đại học VinUni được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn cao nhất về nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế, đồng thời thôi thúc sinh viên chủ động học tập, hành động để thay đổi thế giới.
Khuôn viên tổng thể trường Đại học VinUni rất đẹp như một trường đại học ở Châu Âu.
Vin Uni tuyển rất ít chỉ tiêu, sàng lọc gắt gao
Theo TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH VinUni, trong 7 - 8 năm tới, trường ĐH này vẫn sẽ tuyển sinh với số chỉ tiêu rất hạn chế để đảm bảo chất lượng đầu vào cho mục tiêu đào tạo nhân tài.
Mới đây, Trường ĐH VinUni đã tổ chức một lễ khai giảng ấn tượng bởi phần lớn hoạt động trong sự kiện này là sinh viên VinUni thể hiện tố chất và khát vọng “thay đổi thế giới”. Đây là cách mà lãnh đạo Trường ĐH VinUni muốn chứng tỏ sản phẩm đầu ra của trường hứa hẹn là những nhân tài.
TS Lê Mai Lan cho biết, mỗi năm trường sẽ chỉ tuyển khoảng 250 chỉ tiêu. Ảnh: Việt Hằng |
Trao đổi với báo chí, TS Lê Mai Lan, Chủ tịch HĐT Trường ĐH VinUni, cho biết nhà trường đã, đang, sẽ quyết tâm và kiên trì theo đuổi mục tiêu đào tạo nhân tài. Và để làm được điều đó, trước hết là trường sẽ thực hiện một chính sách tuyển sinh có tính sàng lọc gắt gao trong nhiều năm tới.
Mỗi năm chỉ tuyển 250 sinh viên
Theo TS Lê Mai Lan, sau 3 khoá tuyển sinh, số sinh viên ĐH hiện nay chỉ khoảng 750 em. Trong đó, có 30 sinh viên quốc tế, đến từ 20 quốc gia, gồm cả những nước có nền giáo dục ĐH phát triển lẫn chưa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Mỹ, Libya, Kazakhstan, Nga, Myanmar… Như vậy, mỗi năm trường chỉ tuyển 250 sinh viên, và sẽ duy trì mức chỉ tiêu này ít nhất trong 7 - 8 năm tới.
Sinh viên quốc tế của Trường ĐH VinUni trong lễ khai giảng năm học 2022 - 2023. Ảnh: Việt Hằng |
Đây là con số rất ít nếu so với các trường ĐH khác, thậm chí ngay cả khi so với một ngành truyền thống của một trường ĐH bất kỳ. Ngay cả với những trường ĐH đơn ngành, số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này cũng cao gấp nhiều lần chỉ tiêu của VinUni.
TS Mai Lan nói: “Chỉ tiêu tuyển sinh 250 sinh viên mỗi năm sẽ được giữ đến khi nào nhà trường tự tin là mình thực sự đào tạo ra được nhân tài, tức là những người có khả năng tạo ra sự thay đổi xã hội sau khi các em tốt nghiệp ĐH, gia nhập vào thị trường lao động.
Mục tiêu của VinUni là đào tạo nhân tài, nên phải chắc chắn là hệ thống của mình đào tạo được nhân tài đã, rồi mới mở rộng quy mô. Hiện nay vẫn đang thử nghiệm, nên phải làm từng bước một, phải rất chắc chắn”.
Mỗi chỉ tiêu tuyển sinh là một suất đầu tư lớn
Với con số chỉ tiêu tuyển sinh ít ỏi đó, trong khi ngay từ khi thành lập Trường ĐH VinUni đã thể hiện sự đầu tư lớn với tham vọng đạt đẳng cấp quốc tế trong thời gian ngắn nhất, nhà trường nhanh chóng tạo ra được những kỳ tuyển sinh có sự sàng lọc gắt gao. Chẳng hạn như năm nay có tới 4.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.
Để được tuyển vào Trường ĐH VinUni, những tân sinh viên này phải trải qua một cuộc chọn lọc gắt gao, 4.000 hồ sơ chỉ chọn 250 em. Ảnh: Việt Hằng |
TS Mai Lan cũng cho rằng, với mức độ đầu tư hiện nay cho hoạt động đào tạo ở VinUni, nhà trường hoàn toàn có quyền đòi hỏi cao ở thí sinh. Chẳng hạn, theo tiêu chuẩn 5 sao của tổ chức QS (một tổ chức xếp hạng giáo dục ở Anh), về đầu tư cơ sở vật chất là 250 USD Mỹ/sinh viên, thì VinUni hiện nay đầu tư 406 USD Mỹ/sinh viên; về tỷ lệ giảng viên/sinh viên là 1/20 thì VinUni hiện nay là 1/6.
Trong quá trình học, các em được hưởng một chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế cao do các trường ĐH danh tiếng của Mỹ xây dựng giúp, được học với những giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn của mình, với những nhà khoa học xuất sắc. Ngoài ra, trường còn có các chương trình hỗ trợ để giúp sinh viên phát huy tối đa khả năng của mình ngay từ khi các em học năm thứ nhất.
Từ khi bắt đầu thành lập trường, nhà trường tự đặt cho mình giới hạn “thử nghiệm” là 10 năm, kể từ năm tuyển sinh đầu tiên (2020).
“Mọi người vẫn nghĩ, vào học VinUni chắc phải đóng nhiều tiền cho nhà trường lắm. Sự thật thì với mỗi suất tuyển sinh là một khoản đầu tư rất lớn. Bởi đây là giai đoạn đầu tư chất lượng để tạo dựng uy tín. Nhưng năm 2030 là thời điểm nhà trường phải tự lo được”, TS Mai Lan nói.
Thí sinh không giàu, có vào được VinUni?
Được biết, mức học phí mà Trường ĐH VinUni công bố là 800 triệu đồng/năm. Vì thế, trước băn khoăn thí sinh không phải con nhà giàu làm sao có tiền để vào được VinUni, TS Mai Lan khẳng định: “Vào được. Tất nhiên với điều kiện là em phải đủ giỏi”.
Tân sinh viên VinUni đọc lời tuyên thệ trong lễ khai giảng, một trong nội dung tuyên thệ là "tuyệt đối trung thành với giá trị xuất sắc". Ảnh: Việt Hằng |
Thế nào là “đủ giỏi” theo đánh giá của nhà trường, TS Mai Lan trả lời: “Theo quan niệm thông thường thì điểm cao là giỏi. Nhưng với VinUni, điểm cao chỉ là thể hiện một phần cái giỏi. Muốn được thực sự đánh giá là giỏi thì ngoài điểm cao em có khả năng tư duy tốt không? Em có chịu hành động không?
Em đã từng làm được điều gì đó tạo ra được sự thay đổi cuộc sống xung quanh em chưa? Tất nhiên không thể đòi hỏi cao ở những người trẻ 17 - 18 tuổi, nhưng nếu em thể hiện được tố chất nghĩa là em nằm trong diện người giỏi theo định nghĩa của VinUni”.
Việc đánh giá người giỏi này chủ yếu vẫn mang tính định tính. Nhưng với phần định lượng, tức là điểm số mà thí sinh đạt được trong kỳ thi, qua những thí sinh đã trúng tuyển vào trường năm nay cho thấy, điểm trung bình IELTS là 7.3; điểm SAT là 1.454, thuộc top 5% thế giới (tính trên tổng số những người tham dự kỳ thi này).
“Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhắc lại, điểm số chỉ là một phần trong việc xem xét hồ sơ thí sinh. Còn đánh giá tổng thể thì như trên tôi đã nói! Chúng tôi phỏng vấn trực tiếp từng thí sinh để thông qua đó có sự đánh giá với thí sinh”, TS Mai Lan nhấn mạnh.
VinUni thu học phí theo khả năng đóng góp của gia đình thí sinh. Vì thế, nếu thí sinh giỏi (theo thang đánh giá của VinUni) mà thuộc diện “không có điều kiện” thì nhà trường sẽ cấp học bổng để các em có khả năng theo học.
Hiện nay, với mỗi khóa tuyển sinh đầu vào, trường xét để trao học bổng toàn khóa cho khoảng 35 - 40% trong số những em trúng tuyển. Học bổng gồm có 3 mức: 90%, 100% (học phí); toàn phần. Học bổng toàn phần là dành cho sinh viên xuất sắc, các em không chỉ được miễn học phí mà còn được cấp thêm sinh hoạt phí 1.500 USD mỗi năm.
Với tất cả số sinh viên còn lại trường đã thực hiện chính sách hỗ trợ từ 35 - 80% học phí. Số em được hỗ trợ 35% là số ít, số đông sinh viên được hưởng các mức hỗ trợ cao hơn. Cho đến nay, chính sách này được khẳng định là áp dụng cho 5 khóa tuyển sinh đầu tiên.
“Những em được hỗ trợ ít không phải vì kém hơn các em khác, mà chỉ là gia đình các em có điều kiện để chi trả mức cao hơn các em khác”, TS Mai Lan giải thích.
Một lễ khai giảng đặc biệt
Ngày 10.10 vừa qua, Trường ĐH VinUni tổ chức lễ khai giảng năm học 2022 - 2023. Đây là năm thứ 3 chính thức hoạt động đào tạo của trường ĐH non trẻ nhưng có cơ ngơi bề thế bậc nhất trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, do tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư.
Phần lớn thời gian lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 của Trường ĐH VinUni là chia sẻ trải nghiệm “hành trình thay đổi thế giới” của các đại diện sinh viên ở 3 mảng lĩnh vực: khởi nghiệp, hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học.
Phần lớn nội dung hoạt động của ngày lễ khai giảng là chia sẻ trải nghiệm “hành trình thay đổi thế giới” của các đại diện sinh viên, ở 3 mảng lĩnh vực: khởi nghiệp, hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học. Đây là một hoạt động có tính chất như một buổi “báo cáo” của sinh viên với đại diện nhà trường và đại diện các doanh nghiệp đã tài trợ, hỗ trợ các dự án của sinh viên trong năm học vừa qua và cả năm học trước đó.
“Tôi không phải là sinh viên giỏi nhất, nhưng…”
Đại diện cho toàn thể sinh viên Trường ĐH VinUni, Trần Diễm Quỳnh, sinh viên năm 3, ngành Quản trị kinh doanh, Viện Kinh doanh quản trị, chia sẻ “nỗi niềm” của mình từ khi bắt đầu gia nhập Trường ĐH VinUni cách đây 2 năm. Theo Quỳnh, đó là mặc cảm tự ti trước những bạn học đã tài giỏi lại còn sớm biết mình muốn gì.
Trần Diễm Quỳnh, sinh viên Viện Kinh doanh quản trị, Trường ĐH VinUni. Ảnh: Quý Hiên |
Nhưng sau 2 năm trải nghiệm ở VinUni, Quỳnh nhận thấy hóa ra những sinh viên như mình là số đông, cho nên em đã không để cảm xúc đó hành hạ bản thân, để vẫn kiên cường tìm kiếm đam mê của chính mình.
Trong 2 năm học tập, Quỳnh không ngừng cố gắng và tận dụng mọi cơ hội mà VinUni và ngoài VinUni mang lại. Trải qua một số thử nghiệm (mà Quỳnh gọi là “những chuyến đi hoang dã”), có cả thất bại lẫn thành công, gần đây Quỳnh biết chắc rằng mình thực sự đam mê Blockchain.
“Vậy, bạn học được những gì từ câu chuyện của tôi? Tôi không phải là sinh viên giỏi nhất tại VinUni, nhưng tôi biết mình luôn có thể thay đổi bản thân để tốt hơn. Vì vậy, ngay cả khi bạn có khởi đầu muộn hơn những người khác, như tôi, chỉ cần bạn không ngừng cố gắng và tin tưởng vào bản thân thì mọi chuyện sẽ ổn”, Quỳnh chia sẻ.
Kết thúc phát biểu, Quỳnh gửi tâm sự của mình tới tất cả sinh viên VinUni: “Bạn và tôi đang ở thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta để học hỏi, thất bại và theo đuổi ước mơ của chúng ta. Vì vậy, đừng ngại nắm bắt cơ hội này, tham gia vào hành trình với rất nhiều sự chuyển đổi này, cho cả bản thân và thế giới”.
Quan trọng là bạn có ước mơ
Trong phần chia sẻ trải nghiệm “hành trình thay đổi thế giới” của các sinh viên, 8 nhóm sinh viên đã kể về những thất bại và thành công của mình khi tham gia vào các hoạt động tại trường ĐH, ở 3 mảng lĩnh vực: khởi nghiệp, hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học.
Sinh viên Trường ĐH VinUni "báo cáo" trước đại diện nhà trường và các doanh nghiệp về hành trình thay đổi thế giới mà mình trải nghiệm trong năm học vừa qua. Ảnh: Quý Hiên |
Trần Tuấn Minh, sinh viên Viện Kinh doanh quản trị, nói về trải nghiệm “vừa học vừa là CEO”. Minh cùng các bạn đã sáng lập UpYouth để kết nối, cố vấn, đào tạo, nghiên cứu thị trường, hỗ trợ người Việt từ 18 - 25 tuổi thành lập startup trên nền tảng công nghệ. Minh vừa học vừa quản lý công ty.
Chỉ sau hơn 1 năm, UpYouth đã trở thành cộng đồng thu hút 2.000 bạn trẻ đến từ 8 quốc gia, và những dự án khởi nghiệp được UpYouth hỗ trợ đã được rót vốn hơn 2,5 triệu USD. Nhờ thế mà Minh đã có thể tự tin đúc kết: “Khởi nghiệp là cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực. Khởi nghiệp là dám thay đổi, thất bại sớm để thành công lâu dài”.
Dương Thế Long, sinh viên Viện Kinh doanh quản trị, Trường ĐH VinUni. Ảnh: Quý Hiên |
Dương Thế Long, cũng là sinh viên của Viện Kinh doanh quản trị, thì đi thực tập tại một tập đoàn tỉ đô la để qua đó học hỏi mô hình quản lý của họ. Trước khi vào học tại VinUni, Long là sinh viên của một trường ĐH khác và đã khởi nghiệp ở đó với một công ty có vài chục nhân sự, doanh thu cao điểm đạt 200 - 300 triệu đồng/tháng.
Theo sự sắp xếp của VinUni, Long nộp đơn thực tập trong vị trí Technology Consultant (tư vấn công nghệ) tại Công ty tư vấn EY, tập đoàn suốt 24 năm liền được Fortune bình chọn là một trong 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất thế giới.
“Vào EY, em có 1 định nghĩa mới về năng suất lao động, vì dường như ai cũng làm việc gấp 3 so với công ty cũ của em. Mặc dù công ty không quy định bắt buộc giờ làm, tuy nhiên dường như ai cũng có lịch làm việc và họp hành dày đặc. Nhiều chuyên viên chỉ rời văn phòng lúc 9 giờ tối để hoàn thành công việc tốt nhất”, Long cho biết.
Phan Nhật Huy, sinh viên Viện Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH VinUni. Ảnh: Quý Hiên |
8 nhóm sinh viên là 8 câu chuyện hấp dẫn, ngoài ra còn có điểm chung là tất cả các bạn đều khởi sự từ những ước mơ không tầm thường. Chẳng hạn, Phan Nhật Huy, sinh viên năm 3 Viện Khoa học và kỹ thuật máy tính, tham gia dự án VAIPE (hệ thống phát hiện thuốc uống sai đơn) bởi sự thôi thúc của khát vọng “hướng tới khoa học đỉnh cao, phụng sự nhân loại”.
Huy tâm sự: “Trước đây, khi tham gia dự án, tôi tự hỏi: nó đã đủ lớn để thay đổi thế giới hay chưa? Giờ nhìn lại tôi thấy điều đó không quan trọng, vấn đề là tôi có ước mơ tạo ra những điều làm thay đổi thế giới. Khi bạn được đặt lên vai nhiệm vụ thay đổi thế giới, bạn sẽ thấy choáng ngợp. Nhưng nếu bạn cứ đi, bạn cứ tìm tòi, cứ chăm chỉ làm việc và nuôi dưỡng ước mơ… thì mọi việc sẽ ổn thôi”.
GS Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường ĐH VinUni, chia sẻ một số điểm chính giúp sinh viên của trường tự tin đi trên hành trình ước mơ thay đổi thế giới.
Trong đó, trước hết phải kể đến chương trình đào tạo do lãnh đạo các ĐH Cornell, ĐH Pennsylvania (những ĐH hàng đầu của Mỹ - PV) xây dựng giúp Trường ĐH VinUni.
Đó là những chương trình học kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, cho phép trường đào tạo được những sinh viên tài năng, có đam mê, có định hướng tương lai rõ ràng khi đang ngồi trên ghế giảng đường ĐH. Những chương trình đó tạo nên một môi trường ĐH gieo mầm trong sinh viên ước mơ và tham vọng. Đó là hành trình ước mơ, thử nghiệm, và thất bại, và dũng cảm sẵn sàng chia sẻ những thất bại đó”.
Vai trò của những giáo viên “trường đời” cũng rất quan trọng. Họ là đại diện từ các doanh nghiệp, là những cố vấn, nhà tham mưu cho các bạn sinh viên. Nhiều người còn được mời đến thỉnh giảng tại giảng đường, để giúp sinh viên biết được thế giới bên ngoài trường ĐH là như thế nào, bên cạnh những lý thuyết mà sinh viên được dạy trong nhà trường.
“Điểm cuối cùng là cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ, cho phép chúng tôi thực hiện phép màu, biến giấc mơ thành hiện thực” GS Rohit nói.
Như vậy chúng ta có thể thấy VinUni là đại học không hẳn là dành cho người giàu mà là dành cho người tài. Nếu như con/em bạn có đủ năng lực, trí tuệ... ở tầm cao thì hãy tự tin đến với VinUni để được trải nghiệm môi trường giáo dục đẳng cấp quốc tế và sau đó có thể trở thành công dân toàn cầu (có khả năng sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu).
Tổng hợp theo thanhnien.vn
Xem thêm