Nữ tiến sĩ người Việt - giảng viên đại học uy tín ở Úc nói: 'Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục'
Dù đang là giảng viên tại Đại học Deakin (Úc), các nghiên cứu của GS.TS Trần Thị Lý phần nhiều vẫn hướng về Việt Nam.
Nữ giảng viên Việt ở ngôi trường uy tín nước Úc |
GS.TS Trần Thị Lý được biết tới là nhà nghiên cứu tiềm năng của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Úc. Chị có một “gia tài đồ sộ” với hàng trăm công bố khoa học, trong đó nổi bật với các dự án nghiên cứu xuyên quốc gia. Năm 2019, chị là nhà khoa học nữ người Việt có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội, dựa trên dữ liệu Scopus.
Trước khi trở thành một nhà khoa học có tên tuổi tại Úc, chị Lý từng tốt nghiệp ĐH Huế và được giữ lại làm giảng viên của ngôi trường này.
GS.TS Trần Thị Lý - Giảng viên Đại học Deakin (Úc)
“Con đường đến nước Úc của tôi giống như một cơ duyên. Đó là vào năm 2001, tôi được Chính phủ Úc cấp học bổng thạc sĩ tại Đại học Monash”, chị Lý kể.
Học tập tại Úc, chị nhận ra rào cản lớn nhất của du học sinh là việc phải thích nghi với môi trường học tập và nghiên cứu tại nước bạn.
“Trong những năm qua, dù đã có những đổi mới tích cực, nhưng chương trình đại học của mình vẫn còn khá ôm đồm về khối lượng kiến thức và nặng nề về kiểm tra, thi cử.
Ví dụ, khi còn học bậc cử nhân ở Việt Nam, chúng tôi phải trải qua cả chục môn trong một học kỳ với nhiều bài kiểm tra khác nhau. Đến khi sang học thạc sĩ ở Đại học Monash, tôi chỉ phải học 2 – 3 môn mỗi kỳ.
Chúng tôi thường nói với nhau rằng: “Không biết phải làm gì cho hết thời gian bây giờ”. Nhưng sau này khi vào học, chúng tôi mới thấy được sự khác nhau, là cho dù có học 2 hay 3 môn mỗi kỳ thì chúng tôi vẫn buộc phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, chú ý nghe giảng và phải biết tổng hợp, phân tích, phản biện để việc học đạt hiệu quả cao nhất”.
Hơn một năm sau đó, cô gái Việt đã bảo vệ luận văn thạc sĩ, giành được tấm bằng hạng ưu và giải thưởng sinh viên quốc tế xuất sắc nhất ngành Giáo dục. Tiền đề này đã giúp chị tiếp tục theo đuổi lên bậc tiến sĩ và có cơ hội làm việc tại một số trường đại học của Úc.
Các nghiên cứu của chị Lý phần nhiều hướng về Việt Nam.
Sau một thời gian công tác tại Đại học Monash và Đại học RMIT, năm 2013, chị Lý được mời về giảng dạy tại Đại học Deakin.
Ngày đầu đi dạy, nhiều sinh viên quốc tế bất ngờ trước một giảng viên người Việt có vóc dáng nhỏ, gương mặt trẻ trung. Mặc dù cũng từng gặp phải những lần nhầm lẫn là “sinh viên mới”, nhưng chị Lý cho rằng, uy tín trước sinh viên không đến từ tuổi tác hay chức vụ mà là vốn kiến thức và cách truyền đạt của giảng viên.
Vì thế, có những môn học dù đã giảng dạy suốt 6 – 7 năm, nhưng nữ giảng viên người Việt vẫn tiếp tục tìm tòi, đổi mới và chuẩn bị bài vở nghiêm túc trước khi bước vào tiết dạy.
“Nhiều sinh viên thấy được cái tâm của mình nên rất tôn trọng cô giáo. Các bạn sinh viên cũng tỏ ra thích thú mỗi khi được nghe ví dụ về văn hóa hay phương pháp dạy học của Việt Nam”.
Nhà khoa học với những dự án xuyên quốc gia
Năm 2017, GS.TS Trần Thị Lý được Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Úc công nhận là nhà nghiên cứu tiềm năng.
Có cơ hội cộng tác với các đồng nghiệp ở nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới, trong đó có các đồng nghiệp Việt Nam, nữ giảng viên sinh năm 1975 nhận ra, khả năng “tuần hoàn chất xám” và liên kết xuyên quốc gia giúp ích rất nhiều cho năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ.
“Trong thời điểm hiện tại, việc các nhà khoa học ở đâu thực ra không còn quan trọng nữa. Và dù ở đâu đi chăng nữa, họ cũng có rất nhiều cơ hội để làm việc và đóng góp trong lĩnh vực mình yêu thích”, chị Lý nói.
Suốt 23 năm qua, nữ giáo sư người Việt đã hợp tác với hơn 70 học giả và các nhà nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Hồng Kông, Mỹ, Anh và Hà Lan,…
Các đề tài của chị chủ yếu liên quan đến hợp tác quốc tế và thúc đẩy dịch chuyển quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đại học, trong đó luôn có phần nhiều hướng về Việt Nam.
Năm 2017, GS.TS Trần Thị Lý được Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Úc công nhận là nhà nghiên cứu tiềm năng.
Một dự án của chị do chính phủ Úc tài trợ tập trung vào việc phân tích tác động từ hiện tượng thực tập và học tập ngắn hạn của sinh viên Úc ở Việt Nam thông qua chương trình New Colombo Plan.
“Đây được xem là hiện tượng dịch chuyển sinh viên ngược. Chúng ta hay nói đến việc sinh viên Việt Nam đi du học, nhưng với dự án này, chúng tôi đã nghiên cứu một hiện tượng khá mới mẻ nhưng rất quan trọng và có tiềm năng lớn với Việt Nam, đó là việc sinh viên của những nước phát triển như Úc, Mỹ, Anh sang Việt Nam học hoặc thực tập ngắn hạn”.
Theo chị Lý, một điều khá bất ngờ là Việt Nam đang trở thành điểm đến đứng thứ 4 của sinh viên Úc cho các khóa học và thực tập ngắn hạn, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Thống kê của Bộ Ngoại giao Úc cho thấy, từ năm 2014 đến 2018, số lượng sinh viên Úc sang học và thực tập ở Việt Nam được tài trợ bởi chính phủ Úc theo chương trình New Colombo Plan tăng đến 5 lần và đạt hơn 3.600 sinh viên vào cuối năm 2019.
Cơ hội "xuất khẩu giáo dục" của Việt Nam
Qua dự án này, chị Lý mong muốn tìm hiểu, đưa ra khuyến nghị nhằm xây dựng Việt Nam thành điểm đến được ưa chuộng và bền vững của sinh viên Úc.
Sinh viên Úc khi đến Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều điều, không chỉ về kiến thức chuyên môn, ngôn ngữ, văn hóa mà còn là cầu nối quan trọng giúp tăng cường hợp tác quốc tế hóa giáo dục, trao đổi sinh viên, kinh tế và ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Úc.
“Tôi cho rằng, để phát huy những tiềm năng này, trước tiên Việt Nam cần phải có tổ chức đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam đứng ra quảng bá hình ảnh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần phải hợp tác chặt chẽ với các ngành khác như du lịch, văn hóa, ngoại giao để xây dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến thu hút đối với sinh viên Úc.
Ví dụ, với các khóa học 3 tháng, chúng ta có thể dành 1 tháng cho sinh viên học tập tại các trường đại học, đi thực tập 1 tháng và 1 tháng còn lại kết hợp với ngành du lịch để giúp sinh viên tìm hiểu văn hóa, đời sống của người dân Việt. Nhờ thế, các khóa học này sẽ thú vị hơn”.
“Nếu làm được như thế, Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục, đặc biệt trong mảng học, thực tập ngắn hạn. Dựa vào tiền đề này, 5 – 10 năm nữa, chúng ta có thể tiến đến xuất khẩu giáo dục cho những khóa học dài hạn để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam”, chị Lý nói.
Ngoài dự án này, nhiều nghiên cứu khác của chị Lý cũng tập trung vào vấn đề quốc tế hóa giáo dục trong đổi mới giáo dục tại Việt Nam. Thông qua các nghiên cứu, chị nhận thấy, Việt Nam hiện chưa có một chiến lược ở tầm quốc gia cũng như chính sách thiết thực để hỗ trợ các trường phát huy tiềm năng trong việc quốc tế hóa giáo dục.
“Trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy khả năng quốc tế hóa giáo dục thay vì chỉ là nước 'nhập khẩu' giáo dục hay quốc tế hóa manh mún và chỉ tập trung vào vay mượn chương trình, dùng tiếng Anh làm phương tiện hướng dẫn”, chị Lý khẳng định.
GS.TS Trần Thị Lý sinh năm 1975 tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Năm 2019, chị được Tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Tháng 12/2020, GS.TS Trần Thị Lý nhận giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020 và có ảnh hưởng sâu sắc tới việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia. |
Thúy Nga (vietnamnet.vn)
Xem thêm