Nữ sinh giành học bổng 7 tỷ của ĐH Stanford nhờ đam mê lập trình
Sang Mỹ, dù chưa từng biết đến lập trình, nhưng qua lời giới thiệu của thầy, Hân bắt đầu cảm thấy thích thú. “Tại sao một vài dòng code cũng có thể tạo ra chuyển động của đồ vật?”.
Mê lập trình, Đào Vũ Triều Hân quyết tâm đăng ký vào đợt tuyển sinh sớm của ĐH Stanford - ngôi trường nổi tiếng đào tạo ra nhiều nhân tài cho Thung lũng Silicon (Mỹ). Đây vốn là ngôi trường có tỷ lệ chấp nhận cực kỳ thấp, khoảng 4%. Hân được nhận vào trường với mức học bổng lên tới hơn 300.000 USD cho 4 năm học, tương đương gần 7 tỷ đồng.
Hứng thú vì được học những gì mình đam mê
Triều Hân sinh ra ở TP.HCM. Đến năm 13 tuổi, vì những biến cố gia đình, Hân theo bố qua Mỹ tiếp tục học bậc trung học. Ngày đầu tiên đến ngôi trường Mỹ vào năm lớp 7, Hân được thầy cô xếp vào lớp học “Tổng quan về bộ môn STEM”. Những điều mới mẻ về lập trình và các ứng dụng của khoa học máy tính khiến Hân cảm thấy hứng thú.
“Mặc dù ở Việt Nam, em học môn Tin khá ổn, nhưng em chưa từng được biết tới lập trình. Qua những điều thầy giới thiệu, em thấy rất hay vì chỉ cần viết vài dòng code cũng tạo ra được những chuyển động của một đồ vật hay code có thể tạo ra các ứng dụng, robot.
Thầy cũng nói rằng, code hiện diện xung quanh cuộc sống của chúng ta. Từ lúc đó, em bắt đầu mong muốn tìm hiểu về môn học này”.
Hân hiện đang học phổ thông tại Mỹ.
Là nữ sinh duy nhất của lớp theo học về lập trình, Hân được thầy giáo khuyến khích tham gia vào các câu lạc bộ và một số cuộc thi để thử sức bản thân.
Một điều may mắn, theo Hân, tại đây học sinh được linh hoạt lựa chọn môn học theo khả năng và sở thích thay vì “gánh” cùng lúc rất nhiều môn. Nhờ đó, chương trình học sẽ giúp học sinh được tự do khám phá những thứ mình giỏi nhất.
“Mỗi học sinh có thể tự thiết kế một thời khóa biểu riêng. Thay vì phải học 11 – 12 môn như ở Việt Nam, chúng em được cung cấp rất nhiều môn học khác nhau”.
Cụ thể, mỗi kỳ, học sinh sẽ phải học 4 môn bắt buộc là Văn học, Toán, Lịch sử và Khoa học Tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh, mỗi năm học một môn). Ngoài ra, học sinh còn được lựa chọn 3 trong số các môn tự chọn, bao gồm các môn như nấu ăn, thể thao, hội họa, làm đồ gỗ, khoa học máy tính,…
Nhờ thế, một học sinh muốn làm đầu bếp có thể học thêm về nấu ăn, phát huy thế mạnh của mình và cũng không phải học những môn mình không thích; hay một học sinh yêu thích về khoa học máy tính cũng sẽ có thời gian để tìm hiểu chuyên sâu hơn lĩnh vực mà mình đam mê.
Bên cạnh đó, học sinh cũng được lựa chọn các lớp học phù hợp với trình độ của bản thân. Nếu yếu môn nào, học sinh có thể chọn lớp ở trình độ thấp thay vì trình độ cao. Nhờ thế, các em luôn cảm thấy hứng thú, không còn áp lực khi tới trường.
Mê lập trình, Đào Vũ Triều Hân quyết tâm đăng ký vào đợt tuyển sinh sớm của ĐH Stanford.
Một điểm khác, học sinh tại đây phải thực hành rất nhiều và được đánh giá thông qua các dự án.
“Như vậy, học sinh phải có thái độ nghiêm túc với việc học, học cốt để hiểu bản chất và nắm vững kiến thức thì cuối môn mới có thể đạt kết quả tốt”, Hân nhìn nhận sau khi trải qua gần 6 năm học tập tại Mỹ.
Môi trường học tập thuận lợi nhưng Hân nói, bản thân đã từng rất chật vật để hòa nhập. Em dành rất nhiều thời gian để tự trau dồi khả năng tiếng Anh. Khi đã vượt qua được rào cản về ngôn ngữ, cuối ngày, em thường ở lại tham gia vào lớp học thêm của thầy cô hoặc tham gia vào các câu lạc bộ của trường”.
Nhờ vậy, Hân bắt đầu “bật lên”. Đến khi kết thúc năm học đầu tiên tại Mỹ, Triều Hân lọt vào danh sách những học sinh có điểm tổng kết cao top đầu của trường.
“Hãy thể hiện là chính mình”
Giành được suất học bổng hơn 300.000 USD từ ngôi trường hàng đầu nước Mỹ, Hân nói bản thân có phần lợi thế khi dễ dàng tìm kiếm thông tin tuyển sinh cũng như được thầy cô hướng dẫn tỉ mỉ trong quá trình “apply” vào các trường của Mỹ.
Bên cạnh đó, trường học cũng thường tổ chức các buổi thi thử ACT, SAT giúp học sinh quen hơn với dạng thức các loại bài thi chuẩn hóa này.
Hân được nhận vào trường với mức học bổng lên tới hơn 300.000 USD cho 4 năm học.
“ĐH Stanford có hỏi vì sao em mong muốn theo đuổi ngành học này. Em đã nói về sự liên thông giữa toán - nghệ thuật và cách em áp dụng code để miêu tả mối liên kết đó. Ví dụ như Golden Ratio hay là chuỗi Fibonacci được bắt gặp rất nhiều trong các bức họa nổi tiếng, trong thiết kế và kể cả trong tự nhiên.
Trước giờ, nhiều người nghĩ máy tính hoặc lập trình rất khô khan, nhưng em lại nghĩ nó thú vị vì từ code mình có thể sáng tạo và tạo nên những sản phẩm của riêng mình”.
Triều Hân và mẹ.
Một điều Hân nghĩ khiến mình được trường chấp nhận là xuyên suốt hồ sơ, em đều thể hiện đam mê của mình một cách đồng nhất.
“Em chỉ làm những gì mình thích nên các hoạt động ngoại khóa em từng tham gia cũng không nhiều, nhưng đó đều là những điều em thực sự tâm huyết”.
Hân hiện đang là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ khoa học, Trưởng ban tổ chức của United Under Arts HCMC – một dự án về nghệ thuật của trường, thực tập sinh nghiên cứu về Hệ điều hành thời gian thực tại một trường đại học, là đội trưởng trong các cuộc thi về khoa học hay lập trình máy tính,…
Còn với bài luận, Triều Hân đã chuẩn bị từ rất sớm.
“Em thường lưu riêng một mục ghi chú trong điện thoại, bất cứ khi nào có ý tưởng cho bài luận, em sẽ ghi lại để tránh quên. Vì thế, đến khi cần, em đã có một danh sách ý tưởng và không mất quá nhiều thời gian cho bài luận”.
Hân cũng cho rằng, việc để “nước đến chân” mới làm bài luận sẽ tạo ra tâm lý áp lực và rất khó nhớ lại những câu chuyện hay trải nghiệm của bản thân.
“Sự thành thực chính là yếu tố giúp ghi điểm trước nhà tuyển sinh. Người viết không nên cố gồng mình lên để tạo ra một con người hoàn hảo. Em nghĩ rằng, viết về những gì mình thích và mình đam mê mới là điều giúp hội đồng tuyển sinh hiểu rõ cá tính và con người mình nhất”.
Mong muốn của Hân là theo học ngành Khoa học Máy tính tại Stanford
Trong bài luận chính của mình, Triều Hân đã bắt đầu bằng sự so sánh giữa thời tiết ở Việt Nam và thời tiết ở Mỹ. Nếu như thời tiết ở TP.HCM của Việt Nam chỉ có mùa mưa và mùa khô, rất quen thuộc và dễ đoán, thì thời tiết bên Mỹ lại khắc nghiệt, khó có thể lường trước.
Thông qua đó, Hân đã truyền tải cách em nhìn nhận về những sự thay đổi trong cuộc sống và cách bản thân đối mặt với nó.
“Đoạn kết, em viết về ý nghĩa cái tên của em. Tên em là Triều Hân, “Hân” là hân hoan. Lúc ở Mỹ, mỗi khi gặp khó khăn, em luôn nhắc nhở mình về ý nghĩa cái tên mà bố mẹ đặt cho: Luôn phải hân hoan, lạc quan để đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống, dù cho điều đó có thể không dễ dàng. Bài luận này phần nào đã thể hiện được con người của em”.
Thúy Nga - vietnamnet.vn
Xem thêm