Kì bí “vương quốc” Pơmu ở Tây Giang
Trên đỉnh Zi’liêng thiêng liêng và hùng vĩ của núi rừng Tây Giang (Quảng Nam) có một “vương quốc” Pơmu cổ thụ hơn nghìn năm tuổi. Vẻ đẹp và sinh khí của khu rừng tỏa ra khiến cho con người choáng ngợp. Bằng lời nguyền sắc son, người Cơtu ở Tây Giang đang ra sức ngày đêm bảo vệ kho báu mà Trời đã ban cho mình.
Trời Tây Giang vào hạ nắng nóng như đổ lửa. Những con đường đỏ quạch bụi mù trời. Từ ngoài đường cái, đoạn tính từ Trạm bảo vệ rừng Bắc Sông Bung vào tới cửa rừng Pơmu chưa đến 6 cây số nhưng rất khó đi. Sau gần một tiếng đồng hồ đánh vật với con đường giời đày, cuối cùng chúng tôi cũng vào được tới khu nhà Gươl nằm dưới chân đỉnh Zi’liêng. Sau một hồi phì phò leo núi mệt tưởng đứt hơi, cuối cùng chúng tôi cũng tới được vùng lõi. Chen giữa đám rừng già là những cây Pơmu khổng lồ, sần sùi, thô ráp và thẳng tắp. Những cây Pơmu như chúa tể của rừng xanh, hùng vĩ và kiêu hãnh vươn lên cao vút chiếm lĩnh lấy tầng cao nhất của tán rừng già, khiến cho người ta có cảm giác như ở đó nó là độc tôn, là số một, là vô đối… vì không một loài cây nào có thể vượt qua được chúng từ chiều cao cho đến kích cỡ.
Dưới ánh sáng âm u, huyền hoặc của rừng chiều, những gốc cây Pơmu cổ hiện lên với đủ dáng vẻ lạ kỳ. Có gốc trông giống như con rồng cuộn mình nằm mai phục dưới đám lá; có gốc lại giống như hình một con hổ thu mình ngồi im nhìn đám người lạ chúng tôi với vẻ dò xét đầy bí hiểm; hoặc có gốc phình to như bộ ngực của người đàn bà kì dị; thậm chí có gốc với bộ rễ khổng lồ nổi vồng lên mặt đất tạo thành một cái hang lộ thiên đủ sức chứa được cả chục người…
Một gốc cây Pơmu rêu phong cổ kính vươn mình thẳng tắp lên cao, hiên ngang giữa đất trời. Ảnh: Thanh Hòa Trên đỉnh Zi’liêng hiện có khoảng hơn 2.000 cây Pơmu có độ tuổi từ 250 năm đến trên 1000 năm. Pơmu thuộc họ hoàng đàn, gỗ được xếp vào nhóm A2 quý hiếm. Một cây Pơmu khổng lồ to vài người ôm không xuể. Ảnh: Thanh Hòa Bộ rễ khổng lồ của gốc Pơmu cổ thụ tạo thành một chiếc hang lộ thiên khá lớn trên mặt đất. Ảnh: Thanh Hòa Một cây Pơmu chết đã lâu còn trơ lại khối lõi cứng nằm bất chấp mưa gió giữa rừng già. Ảnh: Thanh Hòa Con người trở nên nhỏ bé trước sự kì vĩ của “Vương quốc Pơ Mu” ở Tây Giang. Ảnh: Thanh Hòa
|
Ở Việt Nam rừng Pơmu có nhiều, nhưng hiếm và đặc biệt như ở Tây Giang có lẽ chỉ có một. Thậm chí giới nghiên cứu còn đánh giá rừng Pơmu cổ của Tây Giang là một trong những quần thể rừng Pơmu lớn nhất, có giá trị nhất khu vực Đông Nam Á. Tại đây, trên đỉnh Zi’liêng nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, trong diện tích khoảng 450ha là cả một quần thể Pơmu cổ với khoảng hơn 2.000 cây, trong đó có 725 cây đã được công nhận là Cây di sản. Ngoài ra, trong rừng hiện còn khoảng gần 80 cây Pơmu bị sét đánh hoặc do gió bão, già nua mà chết đổ xuống còn nằm nguyên tại chỗ. Nhiều cây sau cả trăm năm phơi sương gió bị mục nát, chỉ còn lại phần lõi rắn như thép và phủ đầy rêu xanh trông rất kỳ lạ.
Phó Chủ tịch huyện Tây Giang ARất Blúi cho biết, Tây Giang có câu: “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”. Vì vậy, trước vấn nạn phá rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, chính quyền và nhân dân Tây Giang quyết tâm bằng mọi giá phải bảo vệ rừng, bảo vệ cho bằng được “vương quốc” Pơmu cổ quý hiếm của mình với bằng tất tình yêu đối với nguồn di sản vô giá của đồng bào mình./.
Pơmu có tên khoa học là fokienia hodginsii (dunn), thuộc họ hoàng đàn (cupressaceae), gỗ được xếp vào nhóm A2 quý hiếm. Theo số liệu điều tra khảo sát của Huyện Tây Giang, quần thể Pơmu cổ đã được kiểm đếm, có tổng số 2.011 cây, được phân bố trên diện tích 450ha ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, tập trung tại địa bàn hai xã Tr’hy và Axan (thuộc huyện Tây Giang). Trong đó hiện có 725 cây đã được công nhận là Cây di sản. Đây là những cây có độ tuổi từ 250 năm đến trên 1.000 năm. Cây lớn nhất có đường kính 3,5m, chu vi thân 11m, chiều cao dưới tán gần 20m và có độ tuổi 1.328 năm. |
Bài và ảnh: Thanh Hòa
Nguồn: vietnam.vnanet.vn
Xem thêm