Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Nỗ lực tự học là bí quyết thành công

24/08/2022 | 411

Học là quá trình kiếm tìm chân lý, cho trí tuệ ngày càng sáng, cao rộng. Học cần đi đôi với hành, có vậy những kiến thức ta thu được mới ngày càng sống động và có ý nghĩa, cuộc sống mới dần trở nên tốt đẹp hơn...

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục đọc giùm bạn một cuốn sách hay: 'Tôi tự học' của tác giả Nguyễn Duy Cần.

Nguyễn Duy Cần (1907-1998) hiệu Thu Giang, là một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20.

Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức của ông.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Nỗ lực tự học là bí quyết thành công ảnh 1

- Một cái học về bề sâu nhưng kém về bề rộng là một cái học câu chấp hẹp hòi. Cả hai đều là thiếu sót cả.

- Có được một cái học rộng rãi thì tránh được nạn thiên kiến chấp nhất. Có được một cái học chuyên môn thì cái học của mình mới biến thành thực dụng. Điều hòa được cả hai lối học ấy là thực hiện được mức cao nhất của công trình văn hóa của mình.

- Học đâu phải là công việc của một thời kỳ cắp sách vào trường mà thực ra phải là công phu thực hiện của suốt một đời người.

- Học là một vấn đề không biết lúc nào là cùng. Còn sống giờ nào còn phải học giờ nấy.

- Ta phải dành chữ học thức cho những bộ óc thông minh biết đồng hóa với những điều mình đã học. Như thế thì, học nhiều và học thức không giống nhau.

- Chúng ta thường đánh giá con người theo bằng cấp của họ, nhưng bằng cấp ấy phần nhiều là những bằng cấp trí nhớ: kẻ nào nhớ giỏi thì đi thi đậu. Người học thức không phải cần biết thật nhiều mà cần phải thật biết những gì mình đã biết.

- Học để tìm một nghề nghiệp làm kế sinh nhai, có cái lợi ích của nó, không một ai có thể chối cãi được. Nhưng dầu thích hay không thích nó chỉ là một cái học để thành công, một cái học vị lợi mà đối với những người có đầu óc thiết thực, ít lý tưởng, cho là thỏa mãn lắm rồi.

- Theo tôi, hạnh phúc là được làm chủ hành động ta, ý tưởng ta, tình cảm ta… và mỗi ngày một làm cho con người của ta thêm sáng suốt hơn, thêm tự do hơn, thêm to rộng hơn… nghĩa là thêm mới mẻ hơn.

- Học là để mưu hạnh phúc, nghĩa là để làm cho mình càng ngày càng mới, càng ngày càng cao, càng ngày càng rộng…

- Học là tăng gia sự hiểu biết của mình, là mở rộng tâm hồn của mình bằng cách thu nhận sự hiểu biết cùng những kinh nghiệm của kẻ khác làm của mình.

- Newton nói: “Nếu tôi có phát minh được một đôi điều gì cũng là nhờ nghĩ ngợi mãi một việc và đem việc ấy mà quan sát đủ mọi phương diện. Nếu những phát minh của tôi có được chút ích lợi cho dân chúng là do sự cần cù và sự đeo đuổi mãi theo một ý nghĩ không thôi vậy".

- Giáo sư Duclaux nói: “Nếu Pasteur là một nhà phát minh đã lập được rất nhiều kỳ công vĩ đại cho nhân loại, trước hết nhờ ông là một người làm việc rất nhẫn nại và lặng lẽ”.

- Muốn thành những bậc tài hoa, điều thứ nhất là phải có lý tưởng, có đủ tin tưởng và chí kiên nhẫn để thực hiện lý tưởng ấy; điều thứ hai là làm việc cho có trật tự, có phương pháp, nhẫn nại và lặng lẽ, không bồn chồn, không vội vã.

- Khi mình muốn đi thật sâu vào một vấn đề nào, thường thường lại phải cầu cứu đến các ngành học khác có liên quan đến nó. Học vật lý ta phải sành toán học, học địa lý ta phải có cơ sở học vấn vững vàng về địa chất học.

- Thử tưởng tượng một người có óc thẩm mỹ hiểu biết được cái hay của âm nhạc hay hội họa, bất kỳ là âm nhạc hay hội họa của nước nào. Người đó phải chăng là người có một nguồn hạnh phúc tinh thần vô tận.

- Đọc sách, đi du lịch, thăm các viện bảo tàng, đi nghe âm nhạc, nghe diễn thuyết… không phải là đi tìm món ăn tinh thần, gây dựng cơ sở văn hóa cho minh hay sao?

- Tìm được hứng thú cho sự học, bất cứ là học cái nào, đó là điều kiện đầu tiên và cần thiết để duy trì sự cố gắng được lâu bền.

- Kẻ có trình độ văn hóa cao rộng là người có rất nhiều bậc thầy nhưng không nô lệ một ông thầy nào cả. Nhờ đó mà biết quan sát một cách không thiên kiến, biết nhìn lại các vấn đề quan trọng bằng những nhãn quan khác nhau, biết kiểm lại tư tưởng và những thành kiến của mình với cặp mắt luôn mới mẻ.

- Người học thức là người biết phê phán, biết lựa chọn với một đầu óc sáng suốt, độc lập và tự do.

- Biết mình là cái học đầu tiên của người trí thức. Đi vào đời sống tình cảm và ý tưởng của ta, nghĩa là về con người tinh thần, con người biết suy nghĩ, biết đau khổ, biết sung sướng, biết ham muốn, biết nhận thức, biết hiểu biết, biết phê bình, biết lý luận, biết sáng tác và tự mình biết định đoạt quy tắc cho hành động của mình và biết trù liệu suy nghĩ đến số phận của mình.

- Văn hóa cao giúp cho ta nâng cao tâm hồn và làm giảm bớt những dục vọng ích kỷ, giúp cho ta có lòng biết tôn trọng nhân phẩm kẻ khác, nâng cao tính công bằng và lòng nhân đạo của mình.

- Lúc còn trẻ mình thường có nhiều cao vọng, muốn biết tất cả và nhớ tất cả. Tuổi ấy là tuổi khó học nhất bởi chưa biết tuyển chọn. Đụng đâu học đó làm tản mát tinh thần mà cũng không hiệu quả vào đâu cả.

- Hãy chọn trước một đầu đề rồi sau lấy đó làm trung tâm nghiên cứu, tuyển chọn những gì liên quan mật thiết với nó và mỗi ngày mỗi đi sâu vào vấn đề, được chừng nào hay chừng ấy.

- Thiếu thời gian cái học của con người chỉ được có bề rộng, kém bề sâu, hay cũng chỉ có được nước sơn bóng loáng bên ngoài mà thôi.

- Người quyết tâm đào tạo cho mình một đời sống tinh thần, ít ra phải có một đời sống đơn giản, một nếp sống xa hẳn cuộc sống xa hoa của xã hội náo nhiệt bên ngoài.

Kỹ năng tự học là gì? Làm thế nào để có kỹ năng tự học tốt?

- Đọc sách để mà học, cần phải chọn lọc thật kỹ. Sự gần gũi với những loại sách quá tầm thường sẽ càng ngày càng làm hạ thấp tinh thần, trí não của ta. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

- Thiên tài chỉ là một sự kiên nhẫn lâu dài, kiên nhẫn đeo đuổi mãi một ý nghĩ, một việc làm cho kỳ được mới thôi. Không khi nào Darwin làm một việc gì mà còn phải làm lại một lần thứ hai.

- Bất cứ làm việc gì, chuyên tâm chú ý, tập trung tinh thần là bí quyết của thành công.

- Tập trung tinh thần không có nghĩa là tự giam mình trong một phạm vi chật hẹp nào của nghề nghiệp, mà trái lại, tự mình lựa chọn một trung tâm hoạt động, rồi tha hồ quyền biến mà không bao giờ sai với tôn chỉ.

- Không có gì ngẫu nhiên cả, tất thẩy đều có cái lý của nó. Đó là cốt yếu của tinh thần khoa học. Có được một đầu óc nhân quả thì công phu học hỏi của ta mới mong có kết quả chắc chắn được.

- Tập cho mình có được một đầu óc tế nhị là mình đã có một cơ sở khá cứng cáp để đi vào con đường tự học. Khổng, Mạnh, Lão và Trang giống nhau và khác nhau chỗ nào? Nếu mỗi việc ta đều để ý quan sát để xem xét những chỗ đồng dị thì lý thú không biết chừng nào.

- Tự mãn trong sự hiểu biết của mình và tin tưởng rằng không còn có gì phải suy xét lại nữa là tự hủy hoại con đường tiến thủ tinh thần của ta rồi.

- Đọc sách để tìm an ủi trong đau khổ, đọc sách để tìm một sức mạnh tinh thần, giúp tâm hồn mình thêm nhẫn nại, can đảm mà vượt qua những thống khổ của cuộc đời, đọc sách để tìm hứng thú cho tinh thần.

- Đọc sách để tìm hiểu chính mình. Những ý nghĩ kín đáo nhất của mình được một người khác công nhận, lại nói ra một cách vỡ vạc thì còn gì thú vị bằng.

- Suốt một đoạn đời từ 21 tuổi đến nay, tôi đã dành cho mỗi buổi tối hai giờ đồng hồ để đọc sách, khoảng từ 20 giờ đến 22 giờ không bao giờ sai. Tất cả mọi người trong gia đình đều phải nể cái giờ phút thiêng liêng này của tôi.

- Quyển sách hay là quyển dù cho một năm sau, ba năm sau mà đọc lại vẫn thấy thâm trầm, man mác không biết chừng nào. Trình độ mình càng ngày càng lên cao, mình lại càng thấy nó thâm sâu hơn nữa.

- Người đọc sách phải cảm thấy có một sự kêu gọi khao khát thì sự đọc sách mới thật là hứng thú và có nhiều tác dụng.

- Đọc sách hay phải đọc sách mình đã mua để có thể đọc đi đọc lại nhiều lần.

- Làm bạn thì nên làm bạn với những kẻ cao hơn mình về tài đức, đọc sách nên đọc những quyển sách cao hơn trình độ tư tưởng của mình thì mới mong tiến bộ mau trên con đường tri thức.

- Chỉ nên đọc những tác phẩm có giá trị. Dù là đọc một phần thôi ta cũng có được một ý niệm giá trị hơn là đọc những sách tóm tắt sách đó.

- Phải có can đảm đọc ngay những sách hay mà khó để bắt ta cố gắng và suy nghĩ. Đọc xong nên ghi chép lại cảm tưởng của mình một cách đơn giản và chân thành.

- Tiểu thuyết hay, người đọc trong lúc đọc tưởng như mình không phải là mình nữa mà là người trong truyện.

- Đọc sách lịch sử nên lưu ý: nhà làm sử thường cho những gì hợp với lý thuyết mình, hợp với điều mình ưa thích mà thôi, trái lại là không thể có, vì mình không muốn cho nó có, mặc dù nó có thực.

- Báo chí là tiêu biểu lý tưởng hoặc những nhu cầu của một hạng độc giả nào đó. Như thế, đọc báo mà chỉ đọc chết một tờ thì dù có thiện chí đến mức nào cũng sẽ có ngày mờ tối, óc phê bình cũng sẽ có ngày lệch lạc.

- Cũng cần đọc những sách về thiên văn và địa lý. Địa vị của thiên văn học phải có một chỗ xứng đáng và quan trọng trong sự học của con người.

- Ta cũng cần phải quan tâm đến ảnh hưởng của địa lý đối với đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người. Ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, đất đai, của cảnh vật thiên nhiên với sức khỏe, tính tình, tư tưởng con người rất là quan trọng.

- Tạo cho mình có được một đầu óc khoa học là phát huy được cái khiếu ham chứng minh và lý luận, đồng thời phân biệt được rõ ràng thế nào là một chứng minh luận cứ, thế nào là một thực nghiệm.

- Triết học có sứ mạng là nhằm vào sự thỏa mãn óc tổng quan của con người, tổng hợp lại những gì rời rạc, mâu thuẫn trong đời, nhìn cuộc đời một cách cao xa và rộng rãi hơn như người đứng trên núi cao mà nhìn khắp chân trời.

- Bắt đầu các bạn nên khởi đầu bằng Tâm lý học, rồi tiếp đó là Luận lý học và Luân lý học. Đó là hệ thống mà người ta đã dùng trong các lớp triết học.

- Học triết học là để đào tạo cho mình cái khiếu ham suy nghĩ, biết tư tưởng, biết phán đoán, biết nhìn xét việc đời bằng một luồng mắt tổng quan, biết tìm hiểu những ý nghĩ sâu kín bên trong các sự vật.

- Biết xúc cảm là điều kiện cốt yếu để tạo cho mình một cơ sở văn hóa sâu sắc hơn. Học mà không biết ham mê, không bao giờ thành công.

- Kẻ mà không biết yêu ai cả, không biết thương thân phận của những người khác ngoài cái thân phận của mình, tức là người sống một đời chỉ lo cho mình thôi, là người mà tâm hồn cằn cỗi, không thể là một người có văn hóa cao.

- Một đời sống mà người ta chỉ nghĩ đến ăn, ngủ, làm việc mà lòng mình không bao giờ biết đến những xúc cảm mãnh liệt của tâm tình, thì dễ chán làm sao!

- Có tám nguyên tắc làm việc sau đây:

*Đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin ở sự thành công.

*Phải làm việc đều đều, không nên để gián đoạn.

*Bất cứ học môn nào phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy, đừng bao giờ đốt cháy giai đoạn.

*Biết lựa chọn những công việc nào hợp với khả năng của mình.

*Phải biết quý thời gian làm việc và đặt cho nó thành một kỷ luật

*Biết dùng thời gian làm việc và tiết kiệm từng phút một.

*Hễ làm việc gì thì làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại một lần thứ hai

*Muốn làm việc cho có hiệu quả thì phải có một sức khỏe dồi dào.

- Người học thức là người thà biết ít mà thật biết những gì mình biết, còn những gì mình không biết thì cũng biết rõ là mình không biết.

- Không có sự dốt nát nào bằng tin tưởng rằng mình đã biết trong khi mình chưa biết.

- Văn hóa là một vấn đề thuộc phẩm chứ không phải thuộc lượng.

- Đọc sách và biết đọc sách rất cần, nhưng chính mắt thấy tai nghe, biết nhìn xem và quan sát, biết suy nghĩ và phê phán những sự vật chung quanh ta hằng ngày lại càng cần hơn.

- Cái lợi của sách là giúp cho mình suy nghĩ, chứ không phải suy nghĩ thay cho mình. Mỗi người, tùy khả năng, tùy phương tiện, tùy tính khí, tùy khuynh hướng… phải biết tự mình tìm thấy một phương pháp thích ứng cho riêng mình.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng


(*) Xem thêm

Bình luận