Người 12 năm còng lưng cõng điện và rạp phim lên núi
Dọc những dãy núi trải dài khắp miền Trung, trong những ngôi làng còn bộn bề khó khăn, những em nhỏ ở đây không biết gì bên ngoài ngọn núi… Anh Hồ Hoàng Liêm và những người bạn đã dành hơn 12 năm để "cõng" điện và rạp chiếu phim lên đó để mở ra những chân trời mới đầy hy vọng cho các em nhỏ… Khi chiếc màn chiếu 120 inch bừng sáng cùng cảnh mở đầu của bộ phim hoạt hình, lũ trẻ của điểm trường Tắk Pổ ồ lên háo hức, Liêm mỉm cười mãn nguyện.
Những "ông vua đồ chơi" mang điện về rừng
Hồ Hoàng Liêm (33 tuổi) sinh ra trong một gia đình khá khó khăn ở Đà Nẵng. Tuổi thơ Liêm gắn với căn nhà mái lá, 3 mặt là ruộng nước. "Hồi tôi 5 - 6 tuổi, có các cô chú về thăm, tặng quà, đồ chơi. Dù phải xếp hàng từ trưa đến chiều, nhưng khi nhận quà, tôi thấy thật hạnh phúc. Lúc đó, mình mong muốn một ngày sẽ được như các cô chú, mang niềm vui đến cho những người khác" - Liêm nhớ lại.Thời sinh viên vào năm 2009, trong một chuyến đi trao quà từ thiện cho người dân ở xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), thấy được nỗi vất vả của những người dân lam lũ quanh năm mà vẫn không đủ ăn, Hồ Hoàng Liêm tự nhủ phải làm một điều gì đó để giúp đỡ nhiều hơn những hoàn cảnh như vậy. "Càng đi, tôi càng thấy trên dải đất hình chữ S có nhiều nơi chưa có điện, nước sạch hay được tiếp cận công nghệ tiên tiến. Tôi muốn giúp họ thay đổi cuộc sống", anh nói.
Trở về, Liêm cùng một vài người bạn thân thiết quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nụ cười hồng Đà Nẵng với mong muốn có thể giúp đỡ, chia sẻ được với nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn. Ban đầu mới thành lập, nhóm toàn là sinh viên nên để vận động sự hỗ trợ là rất khó khăn.
Để có kinh phí, Liêm và các bạn làm đủ việc như bán bánh kẹo, bán hoa, đi xin từng bơ gạo… hay tổ chức các đêm nhạc đường phố để kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh trên địa bàn thành phố hoặc ở các vùng sâu, vùng xa của Quảng Nam như Tây Giang, Nam Trà My. Miệt mài như thế đến 5 năm sau, khi ra trường và đi làm, nhiều người biết đến nhóm và hỗ trợ nhiều hơn. Từ đó, CLB Nụ cười hồng Đà Nẵng chia sẻ được nhiều hơn với những hoàn cảnh khó khăn và các điểm trường miền núi là nơi nhóm thường có mặt.
Chuyến đi đầu tiên, Liêm và những người bạn đã đến thôn xa nhất, hẻo lánh nhất ở Nam Trà My để mang điện về bản. 4 tấm pin năng lượng mặt trời nặng khoảng 100kg được Liêm và bạn cõng lên thôn 5, xã Trà Don, huyện Nam Trà My. Chuyến đi kéo dài 19 tiếng đồng hồ, băng qua 4 ngọn núi với rất nhiều con dốc mà chỉ… bò mới qua được. Sau vài tiếng lắp đặt, ánh sáng đầu tiên phát ra trên ngọn đồi buổi tối hôm ấy đã làm những già làng tóc bạc phơ, những em nhỏ chân đất, các thầy cô cắm bản và người dân bật khóc.
"Những năm trước trên địa bàn xã còn nhiều khu dân cư chưa có điện lưới, thiếu nơi vui chơi. Nhờ có nhóm anh Liêm, chúng tôi không phải dùng đèn dầu, cây nến để tránh màn đêm tối tăm", ông Hồ Văn Ven, Bí thư đảng ủy xã Trà Don, nói. Đến nay những tấm pin năng lượng mặt trời đang hoạt động tốt, đảm bảo đủ chiếu sáng cho bà con của thôn.
"Mình cũng khóc theo và cảm thấy thật hạnh phúc" - Hồ Hoàng Liêm nhớ lại kỷ niệm đặc biệt. Chuyến đi đó, anh Liêm và những người bạn còn mang theo tivi cỡ lớn và ăng ten thu sóng truyền hình để mở cho bà con xem. "Hôm đó là buổi tối đầu tiên người dân nhìn rõ mặt nhau buổi đêm. Người già, trẻ nhỏ ai nấy đều reo hò vui mừng. Chúng tôi cũng nghẹn ngào vì hạnh phúc.
Ngoài thôn 5, câu lạc bộ của anh Liêm cũng lắp đặt những trạm pin mặt trời ở 16 điểm khác, thắp sáng cho nhiều điểm trường và thôn bản ở Quảng Nam, Quảng Trị, Kom Tum, Gia Lai, Quy Nhơn... Hiện tại, tất cả những tấm pin năng lượng mặt trời đó vẫn hoạt động bình thường.
Trong những chuyến đi ấy, những món quà là bánh kẹo và đồ chơi được các em nhỏ vùng cao yêu thích nhất. Chẳng thế mà những đứa trẻ ở Nam Trà My đều biết Liêm. Nhóm của Liêm được các em gọi là những "Ông vua đồ chơi" bởi đi đến đâu là phát "niềm vui" đến đó. "Những chiếc tô tô, bộ xếp hình mà trẻ con thành phố chơi một lúc là chán thì là cả "kho báu" với các em nhỏ vùng cao. Có những món đồ, các em thích thú chơi đến tận khuya không chịu đi ngủ. Sáng sớm hôm sau thức dậy đã thấy các em chơi tiếp mà không chán. Niềm vui ấy có lẽ không gì đánh đổi được" - Liêm nói.
Rạp chiếu phim của ước mơ…
Trong một chuyến đi đến với các em nhỏ vùng cao, trò chuyện buổi tối, Liêm có mở điện thoại cho các em xem. Các em rất bỡ ngỡ với hình ảnh bãi biển hay các tòa nhà chọc trời. Trước đó, các em chỉ biết đến con gà, con chó, những mái nhà lụp xụp… "Tôi nghĩ, có lẽ đây là một trong các lý do các em không muốn đi học vì với những hình ảnh quen thuộc kia, tương lai của các em chỉ là lo cho đủ ăn. Vì vậy, tôi muốn mang rạp chiếu phim lên núi để các em biết được thế giới bên ngoài. Đó mới là thế giới các em cần hướng đến. Các em cần chạm vào tương lai đó" - Hồ Hoàng Liêm chia sẻ.
Từ đó, Liêm và các bạn quyết định sẽ "cõng" cả rạp chiếu phim lên núi. Sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tối 10-1-2022, hơn 70 học sinh trường Dân tộc bán trú Vừ A Dính (xã Trà Don, Nam Trà My) háo hức khi lần đầu tiên được xem những bộ phim trên một màn hình lớn dựng ngay ở sân trường. Đúng 19h, rạp chiếu phim đặc biệt giữa rừng bắt đầu "công chiếu". Mỗi "vị khách" đều có một tấm vé đặc biệt là mảnh giấy nhiều màu sắc để đổi lấy bánh kẹo. Những bộ phim hoạt hình được máy chiếu chiếu trên màn hình 120 inches cùng hệ thống loa công suất lớn tạo âm thanh sống động giữa núi rừng. Phía dưới, những em nhỏ chân trần, kê dép ngồi thành hàng dài ngay ngắn nhìn lên không chớp mắt.
Chỉ phút chốc, núi đồi vang lên những tiếng cười giòn tan, tràng vỗ tay, tiếng ồ thích thú khi các em lần đầu thấy: Tom và Jerry, Doremon có chiếc túi thần kỳ, hay Gấu trúc giỏi võ… Sau những bộ phim hoạt hình là những đoạn phim giới thiệu về các thành phố lớn, sầm uất, những danh thắng nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam. Những ánh mắt trong veo như bị cuốn theo hình ảnh phố xá, xe cộ tấp nập, những tòa nhà cao chọc trời, hơi thở nhộn nhịp đời sống đô thị… Những đứa trẻ vùng cao thích thú, người lớn thì cũng vui không kém. Họ phần nào cũng thấy hạnh phúc khi con em được trải nghiệm những điều mà vốn dĩ xa vời nơi vùng cao khó khăn.
Rạp phim thứ 2 là ở làng Canh Tiến, xã Canh Liên, Quy Nhơn, Bình Định đầu tháng 5. Và mới đây, ngày 15-5, "Rạp chiếu phim trên núi" thứ 3 đã được triển khai. 92 em học sinh tại Tâk Pổ, Nam Trà My đã có một buổi tối đáng nhớ. Máy chiếu sẽ được tặng lại cho các em và thầy cô để hỗ trợ việc giảng dạy và tiếp tục con đường mở ra thế giới mới với các em nhỏ.
Để tổ chức được mỗi rạp chiếu phim như thế này, nhóm của anh Liêm phải chở thiết bị, đầu chiếu, màn hình vượt hàng trăm km từ Đà Nẵng đến xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đường sá hiểm trở, có những điểm phương tiện không thể đi vào được, mọi người phải cõng thiết bị vượt núi.
Nhìn gương mặt háo hức của học sinh khi lần đầu được xem phim hoạt hình cô giáo Trà Thị Thu, giáo viên điểm trường Tắk Pổ không khỏi xúc động. "Từ trước đến nay các con phải tự mường tượng về thế giới qua lời kể của thầy cô, còn nay được tận mắt nhìn thấy. Ngoài giải trí, máy chiếu còn là công cụ giảng dạy hiện đại, giúp chúng tôi có thêm các bài giảng trực quan về thế giới, thu hút trẻ đến trường thay vì cảnh đi từng nhà vận động", cô Thu nói.
Từng có đoàn từ thiện đến hỗ trợ xây trường, tài trợ lương thực, đồ dùng học tập cho học sinh, nhưng nữ giáo viên nói nhóm của anh Liêm rất đặc biệt khi quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ nhỏ và bà con.
"Không chỉ mang rạp chiếu phim lên núi, đoàn còn mang tặng các em con diều, ôtô đồ chơi, gấu bông, khiến lũ trẻ hay gọi anh là "ông thần đồ chơi". Từ học sinh đến bà con nhân dân ai cũng yêu quý và biết ơn nhóm", nữ giáo viên bộc bạch.
Thêm nhiều hoạt động ý nghĩa khác
Song hành cùng việc "cõng" điện, vác rạp chiếu phim lên bản, nhờ có sự tin tưởng của các mạnh thường quân trong và ngoài nước, Câu lạc bộ còn tổ chức các chương trình phẫu thuật cho các em nhỏ bị sứt môi, hở hàm ếch; giúp đỡ trẻ em, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được đến trường; hỗ trợ các trại trẻ mồ côi; tổ chức phiên chợ 0 đồng, đưa thực phẩm đến tay gia đình khó khăn khi Đà Nẵng bùng dịch...
Anh Liêm cho biết bản thân anh và nhóm không nhận tiền ủng hộ. Toàn bộ chi phí phẫu thuật, tổ chức chương trình đều có hóa đơn và gửi trực tiếp cho các mạnh thường quân giải ngân, tránh điều tiếng.
Trung bình mỗi tuần, người đàn ông 33 tuổi tổ chức 2-3 chương trình nhân đạo nhưng vẫn phải cân bằng với công việc chính. "Tôi may mắn được gia đình và cấp trên ủng hộ, tạo điều kiện được đi làm từ thiện, nhưng bản thân cũng xác định rõ việc công - tư, tránh gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc", anh nói.
Suốt 12 năm làm thiện nguyện, luôn có mặt ở những vùng khó khăn nên không ít lần Liêm rơi vào tình huống nguy hiểm như suýt bị đuối nước trong đợt lũ lịch sử ở miền Trung năm 2020 hay may mắn thoát khỏi trận lở đất ở Nam Trà My năm 2019.
"Có nguy hiểm quá không anh? Hay mình dừng lại", vợ Liêm bày tỏ lo lắng khi biết tin chồng vừa thoát chết. Hiểu lo lắng của gia đình, nhưng anh vẫn làm vì biết còn nhiều mảnh đời khó khăn cần được giúp đỡ.
"Tôi không ngại đi xa, vất vả, chỉ sợ không thể giúp hết những người khốn khó. Khi nào không còn lời đề nghị hỗ trợ, nơi khó khăn nhất có điện, có nước, 100% trẻ nhỏ được tiếp cận tri thức, khi đó tôi mới cho phép bản thân nghỉ ngơi", anh nói.
Niềm vui của những em nhỏ vùng cao khi được vui chơi và xem phim trên đỉnh đồi.
Sau khi hoàn thành ba rạp chiếu phim lưu động, tháng 9 tới anh Liêm dự định lập thêm một rạp ở vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, người đàn ông 33 tuổi mong muốn lắp thêm trạm điện dùng pin năng lượng mặt trời, lập nhiều lớp học ứng dụng công nghệ hiện đại ở các vùng khó khăn, để bà con nhân dân và trẻ nhỏ có cuộc sống tốt hơn.
Những ngày này, Liêm và những người bạn đang bận rộn với chương trình phẫu thuật cho các em nhỏ bị sứt môi hở hàm ếch thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Xem hình ảnh Liêm kéo đàn violin trên đỉnh núi trong một chuyến đi mà tôi chợt nhớ tới bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Tấm lòng như của Liêm đang để những cơn gió đại ngàn cuốn đi và mang đến những niềm vui cho những em nhỏ vùng cao.
Theo anninhthudo.com & vnexpress.net
Xem thêm