Chàng trai miền Tây nổi tiếng vì xây nhà và 'phát lương' cho người dưng
4 năm trước, Thắng mượn đất, xây nhà đón người già neo đơn về chăm sóc, phụng dưỡng. Dịch bệnh bùng phát, anh mở chợ, bếp cơm 0 đồng, mua xe cấp cứu chở bệnh nhân miễn phí.
Tranh thủ thời gian ít việc, Ngôn Đức Thắng chăm sóc các bé mà anh đang nhận làm cha đỡ đầu. |
Xe cấp cứu, chợ, bếp cơm 0 đồng
TP.Cần Thơ “xuống” Chỉ thị 15, nhiều loại hình kinh doanh hoạt động trở lại. Anh Ngôn Đức Thắng (33 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) vẫn duy trì bếp cơm 0 đồng của mình.
Lúc này, người nhặt ve chai, bán vé số dạo… chưa được hoạt động trở lại. Những suất cơm 0 đồng của anh vẫn giúp cho nhiều phận đời khó khăn vì dịch bệnh ấm lòng.
Thắng đã ấp ủ ước mơ mở bếp cơm từ thiện cho người nghèo, vô gia cư, bán vé số, nhặt ve chai từ rất lâu… Đầu tiên, anh mở bếp cơm 0 đồng cho mẹ ở quê nhà Kiên Giang. Khi dịch bùng phát, công việc đình trệ, không muốn thời gian trôi đi vô nghĩa và muốn hỗ trợ người khó khăn, Thắng quyết định mở bếp cơm 0 đồng tại TP.Cần Thơ.
Anh liên hệ, mượn được một quán ăn đang tạm thời đóng cửa vì dịch bệnh ngay mặt đường để tổ chức nấu các suất cơm 0 đồng. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, chưa biết cách đong đếm, Thắng nấu nhiều cơm nên phải nhờ các tình nguyện viên chở đi gửi tặng người cần.
Chợ 0 đồng di động của anh Thắng hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn vì dịch bệnh. |
Sau này, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP.Cần Thơ áp dụng Chỉ thị 16, người dân không được tự ý ra đường, Thắng làm phiếu nhận cơm miễn phí, phát cho người khó khăn. Trên phiếu, anh ghi rõ số lượng cơm, khung giờ phát để mọi người không tập trung đông, đảm bảo nấu đủ số lượng, tránh lãng phí.
Suốt nhiều tháng liền, bếp cơm 0 đồng của Thắng trở thành điểm tựa của những phận đời khó khăn vì dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, bếp cơm vẫn đang hỗ trợ các suất cơm miễn phí cho người khó khăn, vô gia cư, bệnh nhân, bác sĩ bệnh viện Ung Bướu TP.Cần Thơ.
Bếp cơm thành lập được đôi ngày, Thắng lại quyết định mở thêm chợ 0 đồng di động để có thể hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân tại khu phong tỏa, cách ly. Anh biến 2 chiếc xe tải thành những "khu chợ" 0 đồng di động chở rau củ, quả, sách vở, gạo, mì… đến cho người cần.
Đến thời điểm này, bếp cơm 0 đồng của anh vẫn hoạt động, hỗ trợ các suất cơm miễn phí cho người khó khăn. |
Thắng kể: “Lúc đó, người dân cũng biết đến siêu thị 0 đồng nhưng mô hình đó chỉ có ở thành phố chứ chưa có ở vùng nông thôn. Thấy vậy, tôi chất lên xe gạo, mì, rau củ, trứng, sữa, sách, vở, bút… chở đến nơi bà con cần. Trên xe, tôi để số điện thoại đường dây nóng. Bà con cần cứ gọi, tôi và các tài xế sẽ điều xe, chở nhu yếu phẩm đến tận nơi”.
Trong những lần chở rau củ đến cho bà con, Thắng bắt gặp cảnh người bệnh không tìm được xe cấp cứu để đến bệnh viện. Bởi lúc này, xe cứu thương trong các bệnh viện, tổ chức thiện nguyện hầu như đã được điều động, phục vụ cho việc cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân Covid-19.
Thương cảnh mẹ bầu, người gặp tai nạn, ốm đau bất thình lình… không tìm được xe đến bệnh viện, Thắng vay tiền, mua xe ô tô để làm xe cấp cứu miễn phí. Đầu tháng 6, anh hoàn thiện tổ chức thiện nguyện với 3 chương trình hoạt động song song gồm: Đội xe cấp cứu 0 đồng; Chợ 0 đồng; Bếp cơm 0 đồng.
Các phần cơm đều đảm bảo chất lượng. |
Xây nhà, phụng dưỡng người dưng
Tính đến nay, Ngôn Đức Thắng đã thực hiện các hoạt động thiện nguyện được 6 năm. Một trong những hoạt động khiến nhiều người khâm phục hơn cả là anh thành lập ngôi nhà chung để chăm lo, phụng dưỡng các cụ bà neo đơn.
Hỏi nguyên nhân vì sao anh liên tục nhận, phụng dưỡng người dưng, Thắng chỉ cười rồi nói “ngày xưa mình nghèo lắm, ăn bữa nay lo bữa mai”. Đi học, Thắng không có tập sách, tiền học phí cũng không.
Mỗi lần đến kỳ đóng tiền học, Thắng lại “hoãn binh” bằng cách hẹn lần hẹn lữa hoặc xin thầy cô đợi “má bán lúa, ba đi làm lãnh lương có tiền rồi sẽ đóng”.
Nhưng nhà Thắng làm gì có ruộng để cho lúa mà bán. Lương ba của Thắng cũng chỉ đủ chi tiêu trong nhà. Thắng nhớ tuổi thơ của mình là chuỗi ngày nhận quần áo, sách vở từ mạnh thường quân, cố gắng học tốt, đạt học bổng để được tiếp tục đi học…
Các cụ bà đang được Thắng chăm sóc, phụng dưỡng tại ngôi nhà chung. |
Sau này, khi công việc làm ăn ổn định, nhớ ngày được nhiều người cưu mang, Thắng muốn giúp đỡ những phận đời khó khăn hơn mình. Anh làm từ thiện theo “mùa vụ”. Tết, Thắng gửi gạo, đường, mắm muối, lì xì cho các hộ nghèo xung quanh nơi mình ở.
Tháng 5, tháng 6, khi trời vào hè, anh tặng quà, phần thưởng cho học sinh nghèo học giỏi. Tháng 7, Thắng lại gửi gạo, thực phẩm cho các hộ khó khăn. Tết Trung thu, anh đi gửi bánh, lồng đèn... cho trẻ em nghèo…
Chuyện xây dựng Nhà chung, đón các cụ bà neo đơn về phụng dưỡng của Thắng cũng xuất phát từ những lần anh đi hỗ trợ người khó khăn.
Đó là lần anh đi hỗ trợ tiền trọ, tiền ăn cho một hoàn cảnh khốn khó. Thắng thấy một cụ bà không có chỗ ở dù đang sinh sống gần con. Anh liên hệ trung tâm hỗ trợ người già địa phương để cụ bà có thể vào đây an dưỡng. Tuy vậy, do khó khăn ở việc hoàn tất hồ sơ nên cụ bà không thể vào ở trong trung tâm hỗ trợ.
Không còn cách nào khác, Thắng thuê nhà, cho cụ bà vào ở miễn phí.
Các bữa ăn tại Nhà chung đều được Thắng và người mẹ nuôi của mình chuẩn bị chu đáo, chất lượng. |
Sợ cụ bà sống một mình trong căn nhà trọ rộng buồn bã, anh tiếp tục nhận, mời người già neo đơn khác về ở chung. Cứ thế, căn nhà trọ anh thuê ngày càng chật chội vì đông người. Cuối cùng, anh quyết định tìm cách xây nhà, đưa các cụ vào ở để chăm lo, phụng dưỡng.
Thắng bày tỏ ý tưởng của mình với bạn bè và được một người quen đồng ý cho mượn đất xây nhà. Để có kinh phí, anh lặn lội lên TP.HCM mời các nghệ sĩ về TP.Cần Thơ, tổ chức đêm nhạc miễn phí gây quỹ. Nhà xây xong, anh đặt tên là Nhà chung và đón các cụ bà vào ở.
Hiện nay, ngoài gửi tiền hỗ trợ những người già neo đơn không vào Nhà chung sinh sống, Thắng còn nhận làm cha đỡ đầu, hỗ trợ các bé có hoàn cảnh khó khăn. |
Hiện, Nhà chung đang phụng dưỡng, chăm sóc 9 cụ bà. Tại đây, các cụ được mẹ nuôi của Thắng chăm sóc, nuôi cơm ngày 3 bữa. Ngoài ra, các cụ được uống sữa, nước trái cây, bột ngũ cốc... 2 buổi sáng, chiều. Mỗi cụ có giường riêng, phòng ở rộng rãi, thoáng mát.
Anh chia sẻ: “Không phải cụ ông, cụ bà neo đơn nào cũng muốn xa nhà, xa con cháu đến Nhà chung ở. Nhiều cụ rất hoàn cảnh nhưng khi tôi đề nghị về Nhà chung thì các cụ nói muốn ở lại vì “thờ chồng”, “chăm mộ đứa cháu”, “đốt nhang đèn cho ông bà…”.
Đối với những người không đến Nhà chung, hàng tháng, Thắng vẫn đến thăm từng người, gửi tiền hỗ trợ. Hiện nay, ngoài việc phụng dưỡng chăm sóc cho 9 cụ ở Nhà chung, Thắng còn cưu mang thêm 15 cụ già neo đơn theo cách chu cấp tiền ăn hàng tháng. Và, từ lâu, anh đã tự xem mình là đứa con, đứa cháu ở xa của 15 cụ ông cụ bà này.
Được biết, ngoài ngôi nhà dành cho người già, Thắng đang hoàn thiện hoạt động Nhà chung 2 để hỗ trợ các trường hợp phụ nữ sinh con có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, sinh con ngoài ý muốn.
Bà Võ Ngọc Anh Thư, Trưởng khu vực Phú Thuận A, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ cho biết: "Trong thời gian dịch bệnh, anh Ngôn Đức Thắng có các hoạt động thiện nguyện như hỗ trợ các suất cơm, nhu yếu phẩm cho bà con khó khăn... Trước đó, anh Thắng cũng xây dựng Nhà chung, đón các cụ già neo đơn về chăm sóc, phụng dưỡng. Nhà chung có cơ sở vật chất tốt, vệ sinh, sạch sẽ. Các cụ có người chăm sóc chu đáo. Hiện, anh Thắng vẫn đang chăm sóc một số cụ già tại Nhà chung”, bà Thư cho biết thêm. |
Bài: Nguyễn Sơn (vietnamnet.vn)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Xem thêm